.

Bóng đá châu Á lật ngược thế cờ

Cập nhật: 18:31, 24/11/2022 (GMT+7)

Sau 2 trận thua tan nát của Qatar và Iran, các đội tuyển châu Á đã bừng tỉnh với những cơn địa chấn từ Saudi Arabia và Nhật Bản.

Ritsu Doan và Takuma Asano lần lượt ghi bàn, giúp tuyển Nhật Bản thắng ngược Đức với tỷ số 2-1 ở trận ra quân tại World Cup 2022.
Ritsu Doan và Takuma Asano lần lượt ghi bàn, giúp tuyển Nhật Bản thắng ngược Đức với tỷ số 2-1 ở trận ra quân tại World Cup 2022.

Trước World Cup 2022, Qatar và Iran được đánh giá là 2 đại diện có khả năng tạo nên bất ngờ ở lượt trận đầu vòng bảng. Lý do là Qatar sở hữu lợi thế sân nhà, vừa chi 200 tỷ USD để tổ chức kỳ Cúp thế giới đầu tiên vào mùa Đông.

Khả năng để đội tuyển này thua trận ra quân trước Ecuador là không cao, đặc biệt khi phong độ của Qatar trước giải khá ổn. Họ thắng Guatemala, Albania, cầm hòa cả Chile. Một bộ phận giới quan sát thậm chí tin trọng tài ít nhiều sẽ ưu ái đội chủ nhà.

Iran không có lợi thế chủ nhà, nhưng cũng sở hữu vài lý do để ít nhất là không thua thảm trước Anh. Một, Anh thi đấu cực tệ tại UEFA Nations League. Hai, phong độ của ngôi sao phòng ngự Harry Maguire có vấn đề. Ba, Iran ở World Cup 2018 thực tế đã chơi tuyệt vời trước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Khả năng Iran tạo ra bất ngờ thậm chí được đánh giá cao.

Song những gì Qatar và Iran thể hiện đơn thuần là nỗi thất vọng. Qatar thua Ecuador 0-2 trong thế trận không sút nổi quả nào và bị khớp hoàn toàn về tâm lý. Iran thua Anh tới 2-6, trong đó nhận 3 bàn thua chỉ sau hiệp 1. Không có chút hy vọng nào.

Thất bại của Qatar và Iran kéo theo cái nhìn bi quan nói chung tới bóng đá châu Á. Không đơn thuần bởi các thảm bại của đội bóng Tây Á này mà còn bởi Saudi Arabia và Nhật Bản, hai đội châu Á tiếp theo xuất trận, sẽ gặp Argentina và Đức.

Argentina và Đức chênh lệch thế nào với 2 đại diện châu Á? Sau 15 phút của trận Argentina với Saudi Arabia, khi Messi đã ghi bàn, các nhà cái mở kèo tỷ số chung cuộc trận đấu lên tới 8-0.

Thông thường, các tỷ số thắng cách biệt trắng từ 5 bàn trở lên kiểu này sẽ được các nhà cái gộp vào một tỷ lệ cụ thể và đặt tỷ lệ thắng cược khá thấp. Đơn giản vì quá khó để viễn cảnh này thành sự thật.

Bởi vậy khi nhà cái mở cửa đặt cược tỷ số lên tới 8-0 nghiêng về Argentina, có thể hiểu giới quan sát nói chung tin vào viễn cảnh Saudi Arabia bị đè bẹp như Iran đến thế nào. Khi hiệp 1 kết thúc, nhà cái Betfair thậm chí ra tỷ lên 500/1 (đặt 1 ăn 500) cho cửa Saudi Arabia thắng cả trận.

Chuyện đã xảy ra sau đó ai cũng biết. Saudi Arabia cần 6 phút để tạo nên cơn địa chấn đầu tiên ở Tây Á khi lật ngược thế cờ trước Argentina và hơn 40 phút tiếp theo để phòng ngự kiên cường. Họ thậm chí đã đổ cả máu.

Điều kỳ diệu thường không đến nhiều hơn một lần. Nhưng thần may mắn xem chừng đã mỉm cười với châu Á nhiều hơn tại World Cup 2022. Một ngày sau khi Argentina thúc thủ trước Saudi Arabia, Đức cúi đầu trước Nhật Bản với kịch bản gần như tương tự: dẫn bàn từ phạt đền trong hiệp 1 và thua ngược ở hiệp 2.

Phản ứng của nhà cái thậm chí có những sự tương đồng nhất định. Họ cũng mở các kèo thắng trận lên tới con số 8-0. Giữa trận, tỷ lệ cược để Nhật Bản thắng cả trận được ghi nhận bởi Betfair là 55/1, cũng rất cao và ở mức không mấy ai tin tưởng.

Chuyện xảy ra sau đó đơn giản là đang làm cả châu Á nức lòng. Nhật Bản cũng chỉ cần 9 phút để tạo ra điều kỳ diệu như Saudi Arabia. "Samurai xanh" đổi chiến thuật, đưa hàng loạt ngôi sao đang thi đấu tại Bundesliga vào sân và trừng phạt người Đức.

Bàn thắng ấn định của Takuma Asano có thể xem là hình ảnh phản chiếu cho cú sốc châu Á. Cầu thủ chỉ cao 1,73m này đè mặt được Nico Schlotterbeck (cao 1,91m) và đánh bại Manuel Neuer lừng danh ở góc cực hẹp.

Gạt bỏ các định kiến về tỷ lệ cược hay đánh giá từ giới quan sát, những gì Saudi Arabia và Nhật Bản đã làm đều đặc biệt đáng được khen ngợi. Saudi Arabia quá dũng cảm để dâng đội hình lên cao, ép Argentina vào thế không thể chơi bóng chủ động. Còn Nhật Bản khiến Đức trở tay không kịp với quyết định đổi chiến thuật từ hàng phòng ngự 4 hậu vệ sang 3 trung vệ và chơi sòng phẳng với người Đức trong hiệp 2.

Người Đức nói riêng hay thế giới nói chung không chuẩn bị cho các cú sốc kiểu này từ châu Á. World Cup vẫn được xem là chưa và nhiều khả năng sẽ không bao giờ dành cho các đội tuyển ở lục địa đông dân nhất thế giới. Nhưng Saudi Arabia và Nhật Bản đã chứng minh mọi thứ chỉ có nghĩa khi trái bóng đã lăn.

Châu Á hóa ra không yếu và dễ sụp đổ như phần lớn giới quan sát nhận định.

NHẬT ANH

.
.
.