Những thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử túc cầu thế giới
Lịch sử bóng đá thế giới từng chứng kiến những thảm họa kinh hoàng trên các sân vận động với hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương. Những thảm họa này thường bắt nguồn từ bạo lực, sự tức giận của người hâm mộ, và trở nên trầm trọng hơn bởi các phản ứng thái quá của lực lượng an ninh.
Bạo lực xảy ra ở trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest khiến 97 người hâm mộ thiệt mạng vào năm 1989. |
Bất chấp những thay đổi về công tác an ninh, như chuyển đổi các sân vận động từ những khu vực chỉ có chỗ đứng quá đông thành những khu vực chỉ dành cho chỗ ngồi, tăng cường giám sát, phân loại cổ động viên, nhưng những vụ giẫm đạp như trận đấu mà 125 người hâm mộ đã chết hôm 1/10 vừa qua ở Indonesia vẫn cứ xảy ra.
Trong vụ việc ở Indonesia, theo báo cáo thì những cổ động viên đã lao vào sân sau khi đội nhà thua cuộc đã bị các nhân viên an ninh mặc đồng phục mang theo dùi cui và khiên chống bạo động đánh trả. Nhân viên an ninh dường như đã bắn hơi cay để lập lại trật tự, gây ra sự hoảng loạn trong đám đông ước tính khoảng 42.000 người và hệ quả cuối là đã có hơn 100 người thiệt mạng. Tiếc rằng, đó không hề câu chuyện mới trong làng túc cầu...
Hơn 300 người hâm mộ thiệt mạng ở Peru
Một quyết định của trọng tài trong trận đấu vòng loại Olympic ở Lima ngày 24/5/1964 giữa Argentina và Peru đã khiến ít nhất 2 cổ động viên chạy vào sân, gây ra phản ứng của cảnh sát khiến người hâm mộ phẫn nộ và kết thúc bằng một cuộc bạo động trong đó hơn 300 người trong đám đông 53.000 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Sau khi trọng tài không công nhận bàn thắng ấn định tỷ số của Peru trong những phút cuối cùng, người hâm mộ đã xông vào sân Nacional và ném mọi thứ vào cảnh sát. Đáp lại, cảnh sát đã ném lựu đạn hơi cay vào đám đông, đẩy họ hướng về lối ra ở các đường hầm trong sân. Vì thế, hầu hết các trường hợp tử vong là do ngạt thở, và không rõ số lượng đã bị cảnh sát bắn trên các đường phố bên ngoài sân vận động.
Hector Chumpitaz, một trong những huyền thoại bóng đá của Peru, người đang thi đấu vào thời điểm đó và chứng kiến thảm kịch bắt đầu diễn ra, nhớ lại: “Cảnh sát không thả chó ra mà để chúng xé quần áo của cổ động viên. Mọi người hoảng loạn vì những gì mà họ chứng kiến nên đã tràn vào sân. Mọi thứ khiến họ phát điên. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ đưa anh ta rời sân theo cách hòa bình, nhưng chúng tôi không thể nghĩ về điều đó”.
Náo loạn tại sân Hillsborough
Người hâm mộ Liverpool đã đứng suốt và hát vang bài “You’ll Never Walk Alone” trong các trận đấu của đội bóng của họ. Nó mang một ý nghĩa mới đầy cảm xúc sau một sự cố khiến 97 người hâm mộ bóng đá thiệt mạng vào năm 1989. Bạo lực xảy ra trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest vào ngày 15/4/1989, tại sân vận động Hillsborough của Sheffield và dẫn đến một cuộc điều tra kéo dài mà chỉ được giải quyết phần nào gần đây.
Người hâm mộ Liverpool từ lâu đã bị đổ lỗi cho thảm kịch, nhưng một cuộc điều tra năm 2016 xác định rằng, những người thiệt mạng là nạn nhân của sai lầm của cảnh sát - điều mà những người ủng hộ Liverpool đã tuyên bố từ lâu. Tiếp theo là các cải cách an toàn, trong đó có việc dỡ bỏ các khu vực đứng và hàng rào.
Địa điểm đã được chọn là điểm trung lập, nhưng các cổ động viên Liverpool được phép chen chúc trên các sân khán đài đã chật kín người và 5 phút sau khi trận đấu diễn ra, một hàng rào ngăn cách người hâm mộ với sân đã không chịu nổi áp lực của số khán giả quá đông, khiến họ rơi lên nhau. Theo hãng tin BBC, hơn 3.000 người đã cố gắng chen chúc trên những khán đài được thiết kế để vốn chỉ chứa một nửa con số đó.
Xe cứu thương đã được điều động đến sân vận động, nhưng rất ít nhân viên y tế đến sân, vì cảnh sát đang giữ người ứng cứu tránh xa hoặc tập trung vào việc giữ các cổ động viên Liverpool tránh xa những người ủng hộ Nottingham. Cũng theo BBC, 82 người đã chết vì ngạt thở trên sân hoặc trên sân khán đài, không đến được bệnh viện. 78 trong số các nạn nhân từ 30 tuổi trở xuống. 38 là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Người trẻ nhất là 10 tuổi. Vào năm 2021, số người chết tăng lên 96 khi một nhân viên điều tra xác định rằng một người hâm mộ đã bị thương đã chết do hậu quả của vụ giẫm đạp.
Thảm họa bóng đá năm 1982
Các báo cáo về sự hỗn loạn gây ra những thảm họa thường rất sơ sài, và điều đó đặc biệt đúng vào trận đấu ngày 20/10/1982 giữa đội Haarlem của Hà Lan và Spartak Moscow. Năm 1989, cuối cùng đã xuất hiện thông tin rằng ít nhất 66 người đã thiệt mạng, trong khi một tờ báo của Liên Xô liệt kê số người chết là gần 350. Nạn côn đồ ban đầu bị quy trách nhiệm trước khi truyền thông Liên Xô sau đó đưa tin rằng, cảnh sát đã dẫn người hâm mộ qua một hành lang duy nhất tại sân vận động Luzhniki, khiến họ giẫm đạp lên nhau khi những người khác cố gắng chạy trở lại sân vận động lúc họ nghe tin Spartak Moscow đã ghi một bàn thắng muộn trong trận đấu giành một suất vào vòng 16 UEFA Cup.
Những bậc thang bằng đá lạnh giá và, với một đám đông nhỏ khoảng 15.000 người tham dự, người hâm mộ bị dồn vào một khu vực duy nhất, với 3/4 sân vận động trống rỗng với các khán đài phủ đầy tuyết.
Hơi cay trong thảm kịch ở Ghana
Các nhân chứng đổ lỗi cho cảnh sát Ghana, lực lượng đã bắn hơi cay vào đám đông gây ra một vụ giẫm đạp khiến ít nhất 126 người hâm mộ thiệt mạng trong trận đấu ngày 9/5/2001 giữa hai câu lạc bộ hàng đầu của nước này, Hearts of Oak và Asante Kotoko, trong sân vận động Accra Sports.
Các nhà chức trách đã kích hoạt một cuộc chạy đua hoảng loạn ở các lối ra khi họ bắn hơi cay vào một đám đông để khống chế những người hâm mộ Asante Kotoko tức giận và ném đồ vật xuống sân. Các cổng tại sân vận động có sức chứa 40.000 chỗ ngồi được cho là đã bị khóa.
“Tôi nhìn thấy những thanh niên, những người đàn ông trẻ tuổi, nằm chết trên sàn nhà. Tôi thực sự kinh hoàng. Tôi không thể đếm được người chết”, Thứ trưởng Thể thao của Ghana, Joe Aggrey cho biết vào thời điểm đó và nói thêm, “Từ thông tin mà tôi có, tôi nghĩ rằng sự thiếu kiểm soát - và tôi không muốn lên án vụ việc nhưng - tôi nghĩ rằng chính hơi cay đã gây ra vấn đề”.
Tai nạn máy bay của đội Chapecoense
Tháng 11/2016, bóng đá thế giới đã chấn động 2016 khi một chiếc máy bay chở các thành viên của câu lạc bộ Chapecoense của Brazil, bên cạnh đó là khách mời và các nhà báo bị rơi khi đội trên hành trình đối mặt với Atletico Nacional trong trận lượt đi của chung kết Copa Sudamericana. Theo Bleacher, 71 trong số 77 người trên máy bay đã chết. Nhà báo người Brazil, Rafael Henzel, sống sót sau vụ tai nạn, nhưng ông qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 3/2019.
Theo giải thích của SB Nation, hơn 45.000 người ủng hộ Atletico Nacional đã tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn vào đêm được cho là lượt đi của trận chung kết. Theo The Telegraph, hơn 100.000 người đã tập trung tại sân nhà của Chapecoense vào đầu tháng 12 để thương tiếc và bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã mất. Các cầu thủ tham gia các giải đấu ở châu Âu đều đeo băng đeo tay màu đen trong các trận đấu được truyền hình trên toàn cầu và đều dành những phút im lặng trước các trận đấu.
Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ CONMEBOL đã phản ứng với thảm kịch bằng cách công nhận Chapecoense, một đội bóng không được đánh giá trong suốt giải đấu, là nhà vô địch Copa Sudamericana sau khi Atletico Nacional đưa ra đề xuất này. Atletico Nacional đã nhận được giải thưởng FIFA Fair Play năm 2016 vì tinh thần đó và trao danh hiệu cho đội bóng đáng ra sẽ là đối thủ của họ.
MẠNH HÀO