.

U23 Việt Nam học cách chấp nhận

Cập nhật: 19:44, 27/05/2022 (GMT+7)

U23 Việt Nam sẽ dự vòng chung kết U23 châu Á năm 2022 với một đội hình khác, một HLV khác so với SEA Games 31. Điều đó đương nhiên không khiến người hâm mộ an tâm, bởi di sản mà HLV Park Hang Seo để lại là quá lớn để ai đó có thể tiếp nối.

Lứa U23 Việt Nam hiện tại không có ngôi sao nào nổi bật nhưng lại có ưu điểm là ổn định và tự tin.
Lứa U23 Việt Nam hiện tại không có ngôi sao nào nổi bật nhưng lại có ưu điểm là ổn định và tự tin.

Không khép lại, cũng chưa mở ra

Khi HLV Park Hang Seo mới đến Việt Nam, ông khởi đầu bằng đội U23 tương tự như người đồng hương Gong Oh Kyun hiện nay. Sự khác biệt nằm ở chỗ, đội ngũ trong tay ông Park khi đó đã đá U20 World Cup, 2 lần dự vòng chung kết U23 châu Á, trong khi đội hình sẽ đến Uzbekistan vài ngày tới chỉ có vỏn vẹn danh hiệu U23 AFF Cup, và cũng chỉ có 14 cầu thủ trong thành phần đoạt HCV SEA Games 31. Sự chênh lệch quá lớn về mặt trình độ, và điều đó cho thấy khả năng thành công của Gong Oh Kyun là quá nhỏ.

Trên thực tế, chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam vẫn chưa khép lại. Nghĩa là U23 Việt Nam hiện nay chưa phải chịu áp lực khủng khiếp về sự kỳ vọng về một sự kế thừa nào đó. Thế hệ của U23 châu Á 2018 hiện vẫn đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia, có thể chơi bóng đỉnh cao ít nhất 3 năm nữa và vẫn còn đó HLV Park Hang Seo, người vẫn còn nhiều khao khát. Nói cách khác, trong trường hợp mà đội tuyển U23 không thành công, thì người hâm mộ sẽ vẫn còn đó những Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu…

Ở một góc độ khác, qua giải U23 Đông Nam Á cũng như SEA Games 31, thực tế là các nền bóng đá tại Đông Nam Á cũng chưa có chuyển biến đặc biệt nào. Năng lực phát triển của họ, chắc chắn không có tốc độ nhanh hơn Việt Nam. Ngay như Indonesia, dù đã đưa đến SEA Games đội hình phần lớn là tuyển thủ quốc gia thì vẫn phải chịu thua 0-3 trước đoàn quân của HLV Park Hang Seo.

Thái Lan là một ví dụ khác, họ đang dùng nhiều nhân tố bên ngoài, không phải là sản phẩm do nền bóng đá hiện nay tạo ra, nên kể cả khi họ đạt được thành công nào đó thì cũng không có nghĩa là họ đang làm tốt công tác đào tạo nhân tài. Về cơ bản, vị thế số 1 Đông Nam Á của Việt Nam chưa gặp thách thức nghiêm trọng nào và thời gian dành cho đội tuyển U23 hiện nay vẫn còn.

Chỉ có điều, bóng đá Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng mở ra thêm một cách cửa nào cả. Cần phải nhìn nhận một cách thực tế: Nếu không có 3 cầu thủ quá tuổi và sự lão luyện của HLV Park Hang Seo thì chiếc HCV SEA Games sẽ không đến.

Những cầu thủ U23 tại SEA Games vừa qua, chỉ đá ở mức tròn vai, không có một nhân tố đặc biệt nào, chưa nói đến chuyện có nhiều ngôi sao như đội U23 của 5 năm trước. Về lý thuyết, một đội bóng không có ngôi sao thì khó mà tiến xa. Đó là khiếm khuyết của thế hệ hiện tại và cũng vì vậy, rất khó đặt kỳ vọng vào họ.

Học cách chấp nhận hiện tại

HLV Gong Oh Kyun và đội U23 của ông có thể sẽ không thành công tại U23 châu Á, nhưng đó không phải là thảm họa. Thậm chí, đó là một điều tích cực cho bóng đá Việt Nam. Bởi nói cho cùng HLV Park Hang Seo đâu có thể làm việc mãi tại Việt Nam và lứa cầu thủ vàng trong tay ông rồi cũng sẽ chia tay sân cỏ. Đó là điều trước sau gì cũng sẽ đến, không thể nào khác và chúng ta phải chấp nhận sẽ có thế hệ kế tiếp thay thế, cho dù họ có kém cỏi đến mức nào.

Thế nên, nếu sớm chấp nhận lứa U23 hiện nay kém chất lượng thì sẽ tốt hơn là đợi họ thể hiện điều đó trong 3-4 năm nữa. Chấp nhận càng sớm, bớt đi kỳ vọng vào họ, thì chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thế hệ kế tiếp, thay vì chờ đợi một điều đột biến nào đó ở HLV Gong Oh Kyun và các học trò.

Bóng đá Việt Nam đã có những bài học về công tác đào tạo trẻ. Không có Trường Năng khiếu Nghiệp vụ, thì sẽ không thể có Cảng Sài Gòn hay Công an TP.Hồ Chí Minh. Sức mạnh của Thể Công hay Sông Lam Nghệ An, nằm ở cách mà họ đào tạo cầu thủ.

Năm 2000, U16 Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, thì 3 năm sau, chúng ta có thế hệ cầu thủ suýt đoạt HCV tại SEA Games 2003. Năm 2016, U19 Việt Nam đoạt vé dự World Cup thì đó chính là những trụ cột của thời hoàng kim hiện tại.

Nói cách khác, tại Việt Nam, nếu muốn biết tương lai của đội tuyển quốc gia ra sao, thì cứ nhìn vào lứa U17 hay U19. Đây là một đặc thù của bóng đá chúng ta. Những gì của đội tuyển U23 hiện nay thật ra đã được nhìn thấy từ 3 năm trước, khi U19 Việt Nam thất bại ở giải U19 Đông Nam Á và châu Á.

Tuy nhiên, chấp nhận thực tế cũng không có nghĩa là mất hy vọng ở HLV Gong Oh Kyun và các học trò ở U23 châu Á. Về từng cá nhân, U23 Việt Nam không xuất sắc nhưng tính kỷ luật và ý chí thi đấu thì họ đáng được ngợi khen.

Tại SEA Games 31, nếu nói về việc tuân thủ đấu pháp thì U23 Việt Nam đã làm rất tốt. Một đội bóng mà phải đến hiệp 2 mới “chịu” ghi bàn, thậm chí là càng về cuối đá càng hay, thì chắc chắn đó là một tập thể biết kiên nhẫn, có sự tự tin vào bản thân rất lớn.

6 trận đấu mà hiệp 1 đều không ghi bàn, ở góc độ nào đó, cũng thể hiện được tính ổn định cao. Một đội bóng như vậy, hoàn toàn có thể tạo ra được các trận đấu hứa hẹn bất ngờ, bởi chí ít là họ sẽ không làm người hâm mộ thất vọng về tinh thần cũng như khao khát chiến thắng.

Niềm cảm hứng từ SEA Games 31 vẫn còn đó. Chiếc HCV là một thứ “doping” hảo hạng về tâm lý cho đội bóng của Gong Oh Kyun. Vấn đề còn lại, nằm ở tài năng của Gong Oh Kyun, ở việc ông sẽ làm gì để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Park Hang Seo. Chỉ riêng điều đó, cũng đã đáng để chờ đợi.

LONG KHANG

.
.
.