Không phủ nhận 2 tài năng này, nhưng ở góc độ khác, chuyện U23 Việt Nam với Quang Hải hay bơi lội Việt Nam với Ánh Viên còn là biểu hiện cho tư duy thành tích vẫn ám ảnh thể thao nước nhà trước thềm SEA Games 31.
Tài năng của Quang Hải và Ánh Viên là không thể phủ nhận, nhưng những nguồn lực này cần được phát triển ở mức cao hơn thay vì chỉ cho SEA Games. |
Thể thao Việt Nam từng coi SEA Games là tất cả. Trong giai đoạn hội nhập cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đấu trường khu vực được coi là sân chơi trọng điểm của thể thao Việt Nam với chiến lược nổi tiếng mang tên “đi tắt đón đầu”. Chiến lược này được mô tả ngắn gọn là dồn lực cho các môn đầu tư ít, tiến bộ nhanh, sớm gặt hái huy chương để vươn cao trên bảng tổng sắp đại hội.
Chiến lược này từng là kim chỉ nam cho thể thao Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử dài và mới thay đổi trong khoảng chục năm qua. Bắt đầu từ SEA Games 2011 và bùng nổ ở 2013, thể thao Việt Nam chuyển hướng sang các môn ASIAD, Olympic. SEA Games vẫn là sân chơi quan trọng, nhưng không còn là đấu trường ưu tiên số một mà chỉ còn là bàn đạp để hướng về châu lục và thế giới mới là mục tiêu chính của thể thao Việt Nam.
Dài dòng thế để thấy câu chuyện Quang Hải và U23 Việt Nam dường như đang đi ngược lại định hướng chung của nền thể thao quốc gia.
Hơn một lần trong thời gian qua, ông Park nói về Quang Hải và khẳng định muốn triệu tập cầu thủ này lên U23 Việt Nam. Chuyện với Ánh Viên và đội tuyển bơi lội cũng giống hệt như vậy. Dù đã đề đạt nguyện vọng giải nghệ, “Tiểu tiên cá” vẫn được đề nghị dự nốt SEA Games bởi vai trò quá quan trọng của cô trong những tấm HCV của đội tuyển bơi.
Ánh Viên từng là niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam trong giấc mơ vươn ra thế giới, giống như Quang Hải đang là cái tên được kỳ vọng hơn cả ở chuyến xuất ngoại tới. Họ đều là những nguồn lực quý giá, là ngôi sao chục năm có một. Họ đại diện cho khát vọng vươn xa hơn, họ đủ năng lực để thay đổi hiện trạng của nền thể thao. Nhưng không phải bước đi nào của họ cũng nhận được sự ủng hộ. Trước khi ra thế giới, họ phải vượt qua những rào cản Việt Nam. Và đó đều là những rào cản không nhỏ.
Chuyện của Hải, của Viên cho thấy thể thao Việt Nam dường như vẫn thiếu nhất quán trong việc tận dụng các nguồn lực quý giá này.
Những người làm thể thao Việt Nam không phải không ý thức được điều này. Nhưng khi phải chọn giữa mục tiêu khu vực và xa hơn, họ vẫn bối rối. Thành tích nhỏ nhưng trước mắt với đích đến lớn nhưng dài hạn, chọn cái nào, bỏ cái nào không hề là câu trả lời dễ dàng. Khi chẳng thể có một đáp án thích hợp, họ thường chọn cả hai.
Lựa chọn sai lầm ấy đã khiến rất nhiều VĐV phải trả giá. Ánh Viên bỏ lại những năm tháng thanh xuân đẹp nhất để gặt vàng cho Việt Nam ở SEA Games, Văn Hậu bỏ lỡ cơ hội tại Heerenveen cho vinh quang tại Philippines... Đã rất nhiều lần, các tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại bị gọi về ngoài FIFA Day, cho những mục tiêu khu vực như SEA Games hay AFF Cup.
Nếu coi họ là nguồn lực quý giá nhất, họ lẽ ra phải được dành cho những sân chơi lớn nhất, phải mang trên mình giấc mơ lớn nhất, phải đưa thể thao Việt Nam tới đỉnh cao nhất có thể. Và đó không thể là SEA Games, AFF Cup hay những đấu trường tương tự.
Trở lại với Quang Hải, lựa chọn nào cho SEA Games rõ ràng là câu hỏi lớn sẽ ảnh hưởng tới chặng đường dài của anh sau này. Hợp đồng của Hải sẽ hết hạn sau ngày 12/4.
Nếu dự SEA Games, Hải sẽ mất gần hết tháng 5. Cộng thêm đợt FIFA Days đầu tháng 6, anh sẽ chỉ có thể tới đội bóng mới vào nửa sau tháng 6 tới. Đó là thời điểm hội quân quen thuộc của các đội bóng châu Âu, tức là tân binh Quang Hải sẽ không có lợi thế thời gian nào so với các đồng đội mới. Chiều ngược lại, Hải sẽ có nửa tháng 4 và toàn bộ tháng 5 để chuẩn bị.
Lựa chọn của Hải ở SEA Games cũng sẽ tác động rất mạnh tới cơ hội tìm CLB mới của anh. Đội bóng nào sẽ chấp nhận Quang Hải nếu biết anh phải căng mình thi đấu suốt nửa tháng ngay trước khi gia nhập? Cần nhớ ở lần gần nhất dự SEA Games, Quang Hải đã dính chấn thương và phải nghỉ thi đấu khá lâu. Tham dự SEA Games với Hải vì thế là một canh bạc.
Đường đi sắp tới của Quang Hải là nơi chưa từng chứng kiến thành công của những người Việt Nam. Trước Hải, Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường và phần nào là cả Văn Lâm đều đã thất bại.
Tiền lệ không vui ấy là lý do Hải phải vô cùng thận trọng. Anh đã 25 tuổi và không còn nhiều thời gian. Anh đã bỏ lại rất nhiều ở CLB Hà Nội và V-League, đã hy sinh tiền bạc, thời gian, đã can đảm bước ra khỏi vùng an toàn mà không nhiều cầu thủ Việt Nam dám làm. Tất cả giống như một cam kết tận hiến, trước hết với chính bản thân Quang Hải.
Người đã bỏ lại tất cả như vậy làm sao có thể đánh cược cơ hội có lẽ là lớn nhất trong đời với một kỳ SEA Games? Có lẽ đã tới lúc U23 Việt Nam nên ngừng níu chân Quang Hải. Bởi chính anh có thể đưa bóng đá Việt Nam tiến xa hơn hết thảy.
BẠCH DƯƠNG