Một lần nữa, vị trí HLV trưởng U23 Việt Nam lại được giao cho một HLV Hàn Quốc, bất chấp chức vô địch Đông Nam Á quá đỗi ấn tượng của HLV Đinh Thế Nam.
HLV Đinh Thế Nam vừa giúp U23 Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á đầy ấn tượng. |
Một mô hình, hai lợi ích
Nói về mối quan hệ giữa HLV ngoại và trợ lý Việt Nam, luôn phải nhắc tới ví dụ kinh điển của HLV Mai Đức Chung. Tại vòng loại Olympic 2008, HLV Alfred Riedl vắng mặt vì lý do sức khỏe nên đội tuyển U23 Việt Nam được giao cho ông Mai Đức Chung.
Dù chỉ là tạm quyền, vị trợ lý người Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đưa đội tuyển Olympic vào đến vòng loại cuối cùng của châu Á, đạt kết quả tốt cả trên phương diện thành tích lẫn lối chơi, khiến chính ông Riedl khi quay lại Việt Nam cũng phải bất ngờ và khen ngợi.
Chuyện của ông Chung và Riedl cho thấy, các HLV Việt Nam không hề thiếu năng lực. Họ có thể không sáng tạo, tân tiến như những ông thầy ngoại. Nhưng nếu được đặt vào một vị trí thích hợp, họ có thể làm tốt cả ở cấp đội tuyển lẫn U23.
Xuyên suốt thời kỳ Riedl và cả Henrique Calisto, cách làm ấy đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) duy trì liên tục. Nhiều HLV ngoại ở đội tuyển Việt Nam đã được hỗ trợ bởi những ông thầy nội có tiếng hoặc các cựu danh thủ, điển hình như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Đức Thắng...
Cách làm này mang tới 2 cái lợi. Thứ nhất, những trợ lý am hiểu bóng đá Việt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho HLV trưởng trong chuyện hòa nhập và giao tiếp với cầu thủ. Thứ hai, họ nhận ngược lại những bài học từ các chuyên gia nước ngoài, tiếp thu thêm kiến thức mới và sau này sẽ làm lợi cho V-League, cho đội tuyển Việt Nam.
Thành công sau này của các trợ lý chứng minh tính hiệu quả của chính sách hợp tác nói trên. Khi được đặt đúng chỗ, những trợ lý người Việt vừa giúp nâng tầm đội tuyển hiện tại, vừa là người gìn giữ di sản của đội bóng đó trong tương lai. Họ giúp lan tỏa thành công của các đội tuyển xuống V-League, đưa tới những kiến thức mới cùng cung cách làm việc chuyên nghiệp, từ đó từng bước nâng tầm nền bóng đá.
Những người theo dõi V-League nhiều năm đều sẽ thấy hình bóng Calisto trong giai đoạn đầu của ông Phan Thanh Hùng ở CLB Hà Nội hay nhận ra những nét biến hóa của Riedl trong cách chơi ở đội Đà Nẵng. Đối chiếu cách làm ấy với đội tuyển Việt Nam hôm nay, ta buộc phải tự hỏi: Ngày ông Park và đội ngũ trợ lý HLV Hàn Quốc ra đi, ai sẽ giữ gìn di sản của họ ở các đội tuyển Việt Nam?
Dấu hỏi thời kỳ hậu Park Hang Seo
Hơn 4 năm qua, các quyết định chuyên môn của đội tuyển Việt Nam và U23 đã được đưa ra với quyền lực gần như tuyệt đối từ những người Hàn Quốc. Ngay ở đội tuyển U23, vai trò của những trợ lý Việt Nam cũng rất mờ nhạt.
HLV Nguyễn Quốc Tuấn và ông Đinh Thế Nam là những người Việt hiếm hoi từng cầm quân tại U23, nhưng đều chỉ ở giải Đông Nam Á với đội hình đa phần dự bị. Trong khi ấy, các trợ lý ở đội tuyển Việt Nam như Lư Đình Tuấn, Lưu Danh Minh đều không được đánh giá cao về chuyên môn.
Khác hẳn với những Mai Đức Chung hay Lê Huỳnh Đức trong quá khứ, các trợ lý hiện tại giống như người giúp việc của ông Park chứ không phải thành viên của tổ chuyên môn. Có rất ít bằng chứng cho thấy đóng góp đáng kể của họ trong hệ thống chiến thuật hay nhân sự ở đội tuyển Việt Nam.
Bản thân ông Tuấn cũng chỉ là trợ lý tại CLB Hải Phòng giống như ông Minh là HLV của VFF. Trong ban huấn luyện 2 đội tuyển hiện tại, ông Vũ Hồng Việt là cái tên duy nhất từng dẫn dắt một CLB V-League. Từng đó là quá ít sau 4 năm.
Với lực lượng nhân sự ấy, thật khó tin rằng họ sẽ tạo được ảnh hưởng ở V-League giống như cái cách ông Chung, ông Hải, Huỳnh Đức hay Văn Sỹ từng làm. Thật khó tin rằng các trợ lý hiện tại có thể tiếp thu trọn vẹn và giữ gìn di sản của HLV Park Hang Seo. Nếu họ không làm được điều đó, di sản của ông thầy người Hàn Quốc, những cách tân chiến thuật mà ông đã thực hiện ở đội tuyển Việt Nam suốt 4 năm qua có nguy cơ bị lãng phí.
Nhìn vào bức tranh ấy, chúng ta mới thấy tiếc khi ông Đinh Thế Nam không thể tiếp tục vị trí tại U23 Việt Nam. Cựu HLV của Trung tâm Viettel không thiếu năng lực, bằng chứng là thành tích tứ kết U16 châu Á 2016 và chức vô địch mới đây của U23 Việt Nam. Ông Nam không thiếu kinh nghiệm khi từng làm việc với lứa trẻ này suốt một thời gian dài.
Việc ông Nam tiếp quản đội U23 lẽ ra sẽ vô cùng hợp lý trong bối cảnh ông Park sắp chia tay U23 sau khi SEA Games 31 kết thúc. Đó cũng sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho một tương lai không còn xa khi ông Park tạm biệt hẳn bóng đá Việt Nam. Dù không hề mong muốn, bóng đá Việt Nam phải chuẩn bị cho ngày chia tay ông Park. Tiếc rằng điều đó đã không diễn ra! Nghĩa là di sản của ông Park ở U23 và đội tuyển Việt Nam hiện chưa có ai tiếp quản.
Quyết định trao đội tuyển U23 cho một HLV Hàn Quốc khác càng mang tới băn khoăn dựa trên thực tế rằng ngoài thầy Park, tất cả HLV đồng hương của ông đều đã thất bại tại Việt Nam. Lee Tae Hoon với Hoàng Anh Gia Lai, Lee Heung Sin với CLB Viettel, Park Choong Kyun với CLB Hà Nội đều đã phải ra đi trong thất vọng. Ngay cả ở cấp U23, HLV Kim Han Yoon cũng không hơn gì một người giúp việc và chẳng để lại dấu ấn gì suốt thời gian làm việc.
Ông Park vì thế là ngoại lệ thành công hiếm hoi trong những người Hàn Quốc tới Việt Nam. Và chẳng có gì đảm bảo rằng một người đồng hương khác của ông sẽ làm tốt hơn HLV Đinh Thế Nam hôm nay hay Mai Đức Chung trong quá khứ. Bỏ lỡ ông Nam, VFF đã bỏ lỡ cơ hội học hỏi vô giá cho các HLV nội địa dù họ hoàn toàn đủ năng lực.
BẠCH DƯƠNG