Đánh thức nguồn lực cầu thủ Việt kiều
Với quyết định triệu tập trung vệ Adriano Schmidt, HLV Park Hang Seo đã đưa ra thông điệp rất tích cực: Sẵn sàng mở cửa đón mọi cầu thủ lên đội tuyển quốc gia, đặc biệt là các cầu thủ Việt kiều.
Năng lực của Adriano Schmidt vẫn là dấu hỏi lớn. |
Vậy là sau Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Robert, Michal Nguyễn, Đặng Văn Lâm, Adriano Schmidt trở thành cầu thủ Việt kiều tiếp theo được gọi lên đội tuyển Việt Nam. Nhìn lại hành trình để có được cơ hội lên “ăn cơm tuyển” của chàng trai này chẳng hề đơn giản.
Năm 2017, Schmidt từng được giới thiệu về với V-League. Dẫu vậy, khi chưa thể có quốc tịch Việt Nam, Schmidt đã không được các đội bóng trong nước chiêu mộ. Mãi đến cuối mùa bóng 2018, Schmidt được Hải Phòng dang tay đón nhận và anh đã có 4 mùa chơi bóng ở V-League. 4 năm đó, cầu thủ mang trong mình 2 dòng máu Việt Nam và Đức (bố là người Việt Nam, mẹ người Đức) đã có 50 trận chơi ở giải đấu cao nhất sân cỏ Việt.
Dài dòng thế để thấy, so với những Mạc Hồng Quân hay Đặng Văn Lâm, con đường để được lên đội tuyển Việt Nam của trung vệ Việt kiều này chậm hơn, lòng vòng hơn nhiều.
Giấc mơ được lên đội tuyển quốc gia của Adriano Schmidt đã trọn vẹn. Câu chuyện quan trọng lúc này ở chỗ Schmidt có nắm bắt, tận dụng cơ hội quý giá này để thăng hoa, phát tiết hay không? Rồi Schmidt thể hiện ra sao để chứng minh năng lực cũng sự hòa nhập của mình trên đội tuyển Việt Nam. Hẳn nhiên, Adriano Schmidt cần phải có thêm thời gian để từng bước hòa nhập, làm quen với triết lý của ông Park.
Quan trọng hơn cả, từ đây HLV Park Hang Seo đã phát đi thông điệp rất tích cực: Sẵn sàng mở cửa đón các cầu thủ lên đội tuyển quốc gia. Cùng với đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc muốn tận dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều để xây dựng đội tuyển Việt Nam. Thực tế, nhiều năm qua, đã có không ít cầu thủ mang dòng máu Việt trong mình muốn được trở về, khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Vấn đề cốt lõi của VFF cùng các cơ quan chức năng phải làm sao để các thủ tục đơn giản hơn, cơ chế điều chỉnh thông thoáng nhất nhằm “khơi thông”, không lãng phí dòng chảy nhiều “phù sa” này.
Đã từng có những tranh luận rằng có nên hay không nên đưa các ngoại binh nhập tịch lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, với cầu thủ Việt kiều thì khác. Rõ ràng đây là nguồn lực khá lớn nhưng lâu nay vì những rào cản khác nhau, nên chúng ta chưa thể có được điều kiện tốt nhất để sử dụng. Trong dòng chảy hội nhập, xu thế chung của thể thao, bóng đá của các nước vẫn tận dụng nguồn lực nhập tịch. Trong những năm gần đây, các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á và châu Á, đã áp dụng điều này mạnh mẽ. Đến nay, kết quả cho ra có thể có cả thành công lẫn thất bại. Tuy nhiên, giá trị đọng lại lớn nhất đó là từ đây, mở ra được những hướng đi cho thể thao, bóng đá Việt Nam.
Với hơn 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống tại hơn 130 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, rõ ràng tiềm năng đóng góp của những cầu thủ gốc Việt là rất lớn. Mà đâu chỉ riêng tiềm năng thể thao, nguồn lực kinh tế từ bà con kiều bào đóng góp là rất lớn. Kiều bào đã và đang đóng góp phần đáng kể cho công cuộc phát triển đất nước.
Thông điệp từ ông Park đã có. Đội tuyển Việt Nam lại không thể bỏ phí những nguồn lực như thế cho quá trình phát triển. Cần khơi dậy được tình yêu quê hương, đất nước để những cầu thủ như thế thực sự có khát khao, tạo ra động lực cống hiến và cháy hết mình khi trở về khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Nói đâu xa, tháng 5 này sẽ có nhiều vận động viên gốc Việt tranh tài ở SEA Games 31. Những Thái Sơn Kwiatkowski, Chanelle Vân Nguyễn (quần vợt), Tâm Đinh, Justin Young (bóng rổ), Lê Nguyễn Paul (bơi lội)... sẵn sàng cống hiến khi trở về khoác áo các đội tuyển quốc gia.
Vậy nên, bóng đá Việt, phải làm sao để không lãng phí nguồn lực Việt kiều nữa. Đó là nguồn “trầm tích” quý giá cần được khơi thông.
TRẦN TUẤN