U21 và U23 Việt Nam song hành ở 4 giải đấu trong năm 2022
U23 Việt Nam sẽ chỉ tham gia SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022. Hai giải đấu ở cấp độ U23 khác là U23 Đông Nam Á và đặc biệt là ASIAD 2022 được dành cho U21 Việt Nam.
U23 Việt Nam sẽ chỉ phải tham dự SEA Games 31 và VCK U23 châu Á trong năm 2022. |
Đấy là sự chia sẻ cần thiết để tránh quá tải cho U23 Việt Nam. Mặt khác, đó cũng là sự chuẩn bị tương lai cho U21 Việt Nam, thế hệ cầu thủ được xem là chủ lực cho mục tiêu dài hạn mang tên World Cup 2026.
4 giải đấu, 2 đội tuyển
Nội dung đáng chú ý nhất tại Đại hội thường niên VFF năm 2021 chính là kế hoạch của các ĐTQG Việt Nam trong năm 2022. Trong đó bao gồm 4 giải đấu ở cấp độ U23: VCK U23 Đông Nam Á (tháng 2), SEA Games 31 (tháng 5), VCK U23 châu Á (tháng 6), ASIAD (tháng 9). Dẫu vậy, trái với hình dung ban đầu, U23 Việt Nam sẽ không thi đấu liên tục cả 4 giải kể trên.
Bởi theo Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, ban chấp hành VFF đã đề nghị Đại hội thường niên VFF cùng Bộ VHTTDL; Tổng cục Thể dục Thể thao và cơ quan ban ngành xem xét để U21 Việt Nam chia lửa với U23 Việt Nam. Theo đó, U23 Việt Nam sẽ chỉ tham gia hai giải đấu trọng tâm chính là SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022. Còn U21 Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tham dự VCK U23 Đông Nam Á 2022 và quan trọng là ASIAD 2022.
Theo VFF, việc chia 2 đội tuyển dự 4 giải đấu này nhằm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trọng điểm, giúp các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, qua đó tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các lứa cầu thủ nhằm có sự sàng lọc tốt nhất cho các đội tuyển trong tương lai.
Ông Trần Quốc Tuấn đưa ra một ví dụ: “Năm 2018, Nhật Bản từng cử đội U21 đá ASIAD nhằm chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Đó là định hướng chúng tôi đề ra, phải xác định và lựa chọn xem đấy là nhiệm vụ trọng điểm. U21 Việt Nam cũng được xây dựng nhằm chuẩn bị cho năm 2023, khi SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia”.
Đáp ứng những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
Với VFF, việc tạo điều kiện cho U21 Việt Nam thi đấu 2 giải của U23 Việt Nam trong năm 2022 gồm VCK U23 Đông Nam Á và ASIAD 2022 không chỉ dừng lại ở trọng điểm là SEA Games sau đây 1 năm nữa. Bởi U21 Việt Nam còn có một sứ mệnh lâu dài hơn và tham vọng hơn.
Đó là hướng tới VCK World Cup 2026 - giải đấu mà Việt Nam kỳ vọng dàn cầu thủ với 2 lứa tuổi chủ lực 1999-2001 (U23 Việt Nam) và 2001-2003 (U21 Việt Nam) sẽ có lần đầu góp mặt, khi giải đấu mở rộng từ 32 lên 48 đội.
Trong khi đó, việc tạo điều kiện cho U21 Việt Nam trải nghiệm ở giải U23 Đông Nam Á và ASIAD 2022 cũng giúp U23 Việt Nam được giảm tải khối lượng thi đấu ở những giải với chất lượng chuyên môn và cọ xát ở mức độ khiêm tốn (nhiều đội ở ASIAD sử dụng cầu thủ U21 trở xuống). Thay vào đó, cầu cầu thủ U23 như Hai Long, Hoàng Anh, Văn Toản, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Xuân, Xuân Quyết, Thanh Minh… sẽ được tập trung cho V.League và hạng Nhất, những giải đấu không giới hạn độ tuổi và sức cạnh tranh lớn hơn nhiều.
Những tấm gương thành công trong 6 năm trở lại đây với lứa 1995-1997 của Công Phượng, Xuân Trường hay 1997-1999 của Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Linh khi sớm được va chạm và thi đấu liên tục tại V.League chính là bài học trưởng thành sâu sắc để lứa U23 hiện tại - vốn đã không có nhiều cơ hội trải nghiệm tại giải chuyên nghiệp trong 2 mùa bóng gần nhất học hỏi.
TRÍ CÔNG