CLB gặp khó khi V-League nghỉ liền 4 tháng
Theo kế hoạch dự kiến từ nhà tổ chức VPF, giải VĐQG 2022 sẽ phải nghỉ đến 4 tháng để nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia cùng các CLB dự giải châu Á. Đây là điều khiến không ít đội bóng đau đầu.
TP.HCM (trái) hoà Bình Dương 3-3 ở trận giao hữu chiều 23/1 trên sân Gò Đậu |
1. Như thông báo cho các CLB, V-League 2022 sẽ thi đấu từ ngày 25/2 và sẽ kéo dài đến vòng 4 trước khi tạm nghỉ vào ngày 13/3. Đến ngày 2/7, vòng 5 của V-League mới được tổ chức trở lại.
Sau vòng 4, các CLB có thể phải cho cầu thủ nghỉ một thời gian trước khi trở lại tập trung. Điều này lại dẫn đến một chu kỳ chuẩn bị thứ 2 chỉ trong một mùa bóng 2022. Các HLV sẽ phải tính toán để ổn định lực lượng, giữ sức khoẻ cho các cầu thủ, duy trì thể lực cho họ và giúp toàn đội có điểm rơi phong độ tốt nhất cho giai đoạn còn lại của mùa bóng diễn ra từ tháng 7.
Điều này nói thì đơn giản nhưng để thực hành thì là điều không dễ dàng gì. Chưa kể trong thời gian mùa giải hoãn, các CLB vẫn phải trả lương cho toàn đội để duy trì mọi thứ như khi V-League thi đấu bình thường.
Giới chuyên môn tính toán, mỗi CLB sẽ mất khoảng 5 tỷ đồng/tháng để trả lương cho các thành viên Ban huấn luyện cũng như cầu thủ. Tuy nhiên, vấn đề cũng nảy sinh thêm trong trường hợp các ngoại binh không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Theo quy định hiện tại, các CLB sẽ được thay đổi cầu thủ ngoại sau vòng 2 với điều kiện cầu thủ đó đã thi đấu tại Việt Nam và được cấp giấy phép ITC.
Người đại diện của nhiều cầu thủ ngoại, ông Nguyễn Minh Châu cho biết các CLB sẽ đối diện với 2 mùa bóng chỉ trong 1 năm nay. Cách tốt nhất là nên để các CLB được đăng ký thay thế sau vòng 4. Bởi điều này sẽ đánh giá được chất lượng ngoại binh có phù hợp hay không và các CLB sẽ quyết định thay thế. Bên cạnh đó, các CLB thay người sẽ lại có đến 4 tháng để tập luyện, hướng tới phần còn lại của mùa bóng.
2. Phương án này nghe qua rất hợp lý, nhưng các CLB vẫn không khỏi thiệt thòi trong một mùa giải gián đoạn đến 4 tháng. Bởi ngoài số tiền bỏ ra để duy trì hoạt động như đề cập, họ cũng đối diện với sự thiếu ổn định của các cầu thủ. Vấn đề này diễn ra chung và chỉ CLB nào thích ứng tốt với hoàn cảnh mới có thể mong tạo đột phá ở V-League 2022.
Tuy nhiên, về toàn cục, việc V-League tạm dừng dài hạn không tạo hiệu ứng tốt cho giải đấu cũng như các CĐV không khỏi có những đánh giá tiêu cực về chất lượng đua tranh. Nhìn sang Thai League, chỉ riêng việc đội tuyển Thái Lan tập trung không theo “FIFA Days” để thi đấu AFF Cup 2021, tạm dừng giải hơn 1 tháng để thầy trò HLV Polking tập trung cũng đã khiến nhiều CLB không đồng lòng. Phải đến khi nữ tỷ phú Nuanphan Lamsan (Chủ tịch CLB Port), người có uy tín trong làng bóng đá xứ sở Chùa Vàng đứng ra dùng ảnh hưởng kêu gọi, “Voi chiến” mới có đội hình tốt nhất đến AFF Cup vừa qua.
Và đó cũng là trường hợp ngoại lệ duy nhất của bóng đá Thái Lan, các CLB sẽ không nhường quân cho các đội tuyển quốc gia ở các giải đấu không thuộc “FIFA Days”. Trong khi Thai League vẫn tranh đấu, họ có quyền từ chối đưa cầu thủ của mình lên tuyển, tương tự các giải đấu hàng đầu thế giới. Bởi lẽ với các CLB, họ là đơn vị trả lương cho các cầu thủ và trong trường hợp cầu thủ của họ chấn thương như Dangda, Chatchai ở BG Pathum United mới đây, đội bóng này đã chịu ảnh hưởng nặng nề và HLV Surachai đã rất tức giận khi CLB của ông khó bảo vệ được chức vô địch Thai League mùa này.
Xem ra, V-League 2022 vẫn còn nhiều việc phải lo!
VIỆT HÀ