"Thương hiệu Đức" đang lèo lái Premier League
Đấy là một sự tất yếu. Đáng lẽ báo chí Anh phải hỏi ngược: sao đến bây giờ, họ mới bắt đầu múa bút để ca ngợi lực lượng HLV người Đức, hoặc các đội mạnh ở Premier League mới cảm nhận được cái “thời” của HLV Đức trong làng bóng đỉnh cao?
Klopp, Rangnick và Tuchel (từ trái qua) là những HLV người Đức nổi bật đang làm việc tại Premier League. |
Chiến thắng sau một buổi tập không thật sự nói lên tài năng hoặc ảnh hưởng của tân HLV. Thông thường, có khi người ta còn bảo MU “chỉ” thắng 1-0 trước Crystal Palace là chưa đủ. Vậy mà bây giờ, tờ Guardian lại còn chơi chữ, Germanification, để nói về một cuộc đoàn tụ của HLV người Đức ở Premier League. Độc giả phải đến nước bội thực với món Gegen-pressing, đã xuất hiện tràn ngập từ khi HLV Ralf Rangnick còn chưa ký hợp đồng, chưa xin được giấy phép hành nghề, chứ khoan nói chuyện dẫn dắt M.U. Rồi khi Rangnick ra mắt với chiến thắng 1-0 trên sân nhà trước Crystal Palace, thì ôi thôi…
Bóng đá Anh xưa nay luôn là như vậy, với tính giải trí cao nhất thế giới. Luôn ầm ĩ hàng giờ chứ đâu phải là hàng ngày hay hàng tuần. Nhưng hãy bỏ qua nhu cầu múa bút của báo giới, để nhìn vào thực tế hiển nhiên: thành công của “thương hiệu Đức” trong làng bóng đỉnh cao những năm gần đây. Người ta đã phải choáng ngợp trước sự vươn lên mạnh mẽ, từ số lượng đến chất lượng, của lực lượng huấn luyện viên Đức, nhiều năm nay rồi. Họ đã trở thành “làn sóng mới” xuất sắc nhất với những phương pháp huấn luyện ưu việt, những triết lý đặc sắc, và cả phương pháp đào tạo HLV tân tiến - khi bóng đá Anh trước sau vẫn chỉ nhai đi nhai lại những cụm từ rỗng tuếch như “ADN MU của Solskjaer” hoặc “ADN Chelsea của Frank Lampard”.
Khi MU rước Ralf Rangnick về huấn luyện thì ông này thật ra đã… bỏ nghề rồi. Phải nhắc như thế để thấy: trên nguyên tắc, Rangnick làm sao mà “danh giá” bằng các HLV đang ở đỉnh cao của nghề như Thomas Tuchel (Chelsea) hay Juergen Klopp (Liverpool) được. Dù sao đi nữa, câu chuyện ở đây là các các “thầy” người Đức huấn luyện bởi những quan điểm, triết lý bóng đá đặc sệt phẩm chất khoa học của họ. Phải huấn luyện bằng logic. Huấn luyện bằng đầu, chứ không phải bằng chân. Có ai biết Tuchel, Klopp, Rangnick… chơi bóng như thế nào!? Dù muốn hay không, cũng đã đến lúc để giới bóng đá Anh phải thừa nhận điều quan trọng này. Mặt khác, khi nói Rangnick đã bỏ nghề và trên lý thuyết không sánh bằng Tuchel hoặc Klopp, thì đấy cũng lại là một vấn đề. Người Đức chẳng buồn đoái hoài Rangnick nữa trong khi dân Anh tung hô HLV này - như thế càng thấy “nhãn hiệu HLV Đức” mạnh đến mức nào.
Rangnick từng gắn bó với Schalke, nơi ông có danh hiệu vô địch duy nhất (Cúp Quốc gia Đức). Cũng ở Schalke cách đây vài năm, cũng là vài năm sau khi chia tay Rangnick, có HLV Domenico Tedesco nổi lên ở tuổi… 32. Đấy là HLV đầu tiên ở Bundesliga được trao danh hiệu “man of the match” (thay vì cầu thủ). Schalke khi ấy gỡ hòa 4-4, sau khi bị Dortmund dẫn 4-0 trong hiệp 1. Bóng đá Đức còn có Julian Nagelsmann, vang danh từ độ tuổi còn trẻ hơn cả cầu thủ trong đội. Còn rất nhiều HLV Đức nổi tiếng nữa.
Trong 10 mùa bóng gần nhất, có 8 HLV vô địch Champions League. Một nửa trong số này là HLV người Đức. Lạ ở chỗ, ngoài Bundesliga (thật ra chỉ có 2/3 lực lượng HLV là người Đức) thì Premier League là giải đấu duy nhất trong số 5 giải VĐQG lớn ở châu Âu hiện có HLV người Đức. Thuê “thầy” Đức thật ra không dễ? Premier League quá nổi tiếng về sức mạnh tài chính nên họ mới quy tụ được Tuchel, Klopp, Rangnick? Cũng vì vậy, “Germanification” ở Premier League sẽ bùng lên nữa, nếu Rangnick thật sự thành công ở MU?
KINH THI
Không phải người Anh… là được Premier League hiện chỉ có 5 HLV bản xứ (người Anh - không tính Scotland, Wales, Bắc Ireland). 3 người trong số họ đang nằm trong nhóm rớt hạng cùng đội bóng của mình (Dean Smith với Norwich, Eddie Howe với Newcastle, Sean Dyche với Burnley). Hai người còn lại đang đứng giữa bảng (Steven Gerrard với Aston Villa, Graham Potter với Brighton). Muốn thành công ở Premier League, thì điều kiện quan trọng đầu tiên là không dùng HLV người Anh. 3 - 3 HLV người Đức khác nhau đã liên tiếp đoạt chức vô địch Champions League trong 3 mùa bóng gần đây. Đó là Thomas Tuchel (với Chelsea, năm 2021), Hansi Flick (Bayern, 2020; khi Tuchel vào chung kết với PSG) và Juergen Klopp (Liverpool, 2019). |