Ngoại hạng Anh sống chung với COVID-19 được không?
Không có kịch bản Premier League 2021/22 (Ngoại hạng Anh) bị hoãn. 20 đội bóng hạng đấu cao nhất nước Anh đồng thuận vẫn tiếp tục ra sân mùa Lễ Tặng Quà (Boxing Day), sống chung cùng COVID-19 bất chấp nguy cơ biến chủng Omicron lan tràn khắp sân cỏ Premier League.
Ngoại hạng Anh vẫn tiếp tục thi đấu các trận cuối năm, bất chấp nguy cơ COVID-19 tàn phá các đội bóng. |
Tiền bạc chiến thắng nỗi lo dịch bệnh
Con số 90 trường hợp cầu thủ và nhân viên các đội bóng dương tính với COVID-19 dường như chẳng lay động được những đồng tiền bị mất đi cũng như trở ngại về việc tìm một lịch đấu thích hợp nếu phải hoãn ít nhất một vòng đấu Premier League trong thời điểm cuối năm vốn được coi là cơ hội tốt nhất để các đội bóng thu hút khán giả đến sân thưởng thức bóng đá.
Việc chính phủ Anh chưa hề có động thái nào về khả năng sẽ tiến hành tái phong tỏa toàn quốc trong tương lai gần càng khiến cho các đội bóng tỏ rõ khát khao muốn tiếp tục các trận đấu của mình ở Premier League, bất chấp nguy cơ sẽ có đội bóng phải đôn lên các cầu thủ từ đội U23 để đảm bảo đủ tối thiểu 14 cầu thủ nhằm tránh nguy cơ trận đấu của mình bị hoãn lại (như trường hợp của Chelsea và Tottenham).
Đây rõ ràng là một cuộc tranh đấu giữa sức khỏe của các cầu thủ với lợi ích về tiền bạc của các đội bóng. Như tất cả đã thấy, những năm gần đây, phần chiến thắng có xu hướng thuộc về thế giới kim tiền, khi những đội bóng muốn thu về tối đa lợi nhuận sau khi đã thâm hụt đáng kể ngân quỹ mùa trước vì khoảng thời gian 3 tháng bóng đá xứ sương mù phải đóng cửa, chưa kể phần lớn trận đấu năm ngoái diễn ra trên những khán đài không khán giả, cướp đi một phần quan trọng trong doanh thu của 20 CLB Premier League.
Sáu trận đấu bị hoãn ở vòng đấu trước đã gây ra những ý kiến trái chiều, khi một số CLB như Chelsea cảm thấy bất công khi đội bóng của mình chịu số lượng cầu thủ nhiễm COVID-19 không kém gì các đội bóng nằm trong 6 trận đấu ấy, nhưng rốt cuộc lời đề nghị lùi lại trận đấu của họ chỉ nhận được cái lắc đầu từ ban tổ chức Premier League.
Việc ban tổ chức giải đấu đồng ý để các CLB đá tiếp cho thấy họ không muốn trái bóng Premier League ngừng lăn kể cả khi các đội bóng có phải chật vật với những ca dương tính virus corona tăng lên đến mức khó kiểm soát như lúc này.
Kịch bản sống chung COVID-19 của Premier League ra sao?
Tuy nhiên, cuộc họp vào đầu tuần (21/12) không hề vô ích khi vẫn có những bước nhượng bộ nhất định. Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã đồng ý bãi bỏ các trận đá lại ở vòng 3 và 4 Cúp FA, đồng nghĩa mở đường cho những khoảng trống giữa tuần để Premier League có thể tiến hành sắp xếp một số trận đá bù. Ban tổ chức Cúp Liên đoàn Anh cũng đã để ngỏ khả năng sẽ chuyển thể thức vòng bán kết từ hai lượt sang một lượt duy nhất nếu tình hình dịch bệnh leo thang.
Còn Premier League sẽ làm gì để tiếp tục sống chung với COVID-19? Ban tổ chức giải đấu đã tái khởi động các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm việc yêu cầu các cầu thủ và nhân viên đội bóng phải trải qua 2 đợt xét nghiệm: Xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày và xét nghiệm PCR 2 lần/tuần.
Liệu chừng đó có đủ để chúng ta không phải chứng kiến tình trạng trì hoãn lan tràn khắp các sân cỏ Premier League ở những vòng đấu sắp tới? Vẫn là một dấu hỏi lớn. Con số 77% cầu thủ tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 và 84% đã tiêm ít nhất một liều chẳng hề đủ sức trấn an bất cứ ai về khả năng sẽ không còn những trận đấu phải dời lịch vì dịch bệnh.
Vẫn còn tới 16% số cầu thủ Premier League chưa tiêm một mũi vaccine nào, con số đem đến rủi ro quá lớn cho các trận đấu sắp tới. Đối chiếu với các giải đấu khác, Premier League nên tự cảm thấy xấu hổ khi tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn quá thấp. Bundesliga đã có 94% số cầu thủ được bao phủ vaccine, trong khi con số này tại Serie A là 98%.
Việc giảm tỷ lệ cầu thủ chưa tiêm vaccine sẽ là chìa khóa quyết định liệu Premier League có rơi vào cơn hỗn loạn trong giai đoạn lịch đấu dày đặc này hay không. Biến chủng Omicron hoàn toàn có thể khiến số phận các trận đấu ở hạng đấu cao nhất nước Anh mong manh hơn bao giờ hết.
HẠNH NGUYÊN