.

BÓNG ĐÁ VIỆT NAM: Mục tiêu và tầm nhìn

Cập nhật: 20:43, 08/10/2021 (GMT+7)

Khoảng 10 năm trước, chúng ta đã đặt ra chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có có các mục tiêu như vô địch Đông Nam Á và SEA Games, đồng thời ổn định trong top 15 đội bóng mạnh nhất châu Á. Nay những mục tiêu mới lại vừa được đặt ra cho vài chục năm tới...

Chỉ cần nhìn xuống đội U23 Việt Nam vào lúc này đã thấy được khoảng cách lớn về trình độ so với đội tuyển quốc gia.
Chỉ cần nhìn xuống đội U23 Việt Nam vào lúc này đã thấy được khoảng cách lớn về trình độ so với đội tuyển quốc gia.

Đến nay, có thể nói là nền bóng đá đã hoàn thành mục tiêu đề ra, ít nhất là ở các cấp độ đội tuyển quốc gia. Trong liên tiếp 3 năm, từ 2018-2020, các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo đã có: 1 chức vô địch Đông Nam Á, 1 HCV SEA Games, vào đến bán kết ASIAD 18, tứ kết AFC Asian Cup 2019 và cũng cần phải nhắc tới ngôi á quân U23 châu Á 2018.

Còn lúc này, chúng ta đang chơi những trận đấu thuộc vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, cùng với 11 đội tuyển hàng đầu châu Á khác. Nhưng, liệu đó có phải là sự ổn định chưa, thì còn phải cần thêm thời gian vài năm nữa để trả lời.

Đó là chúng ta, còn nhìn sang "hàng xóm", trong nhiều năm, tính bằng hơn 2 thập niên, bóng đá Thái Lan luôn ngự trị ở vị trí số 1 khu vực. Họ cũng đã “tấn công” vào sân chơi châu lục, ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia và đã có đại diện vào đến bán kết AFC Champions League. Khi bóng đá Việt Nam còn chưa vô địch Đông Nam Á lần đầu (2008), Thái Lan đã tính đến mục tiêu tham dự vòng chung kết World Cup. Tất nhiên bất thành và ngay lúc này, họ đã tụt lại so với Việt Nam.

Trở lại với mục tiêu và tầm nhìn của bóng đá Việt Nam, lúc này đã được nới đến năm 2050, với hy vọng ổn định trong top 8 đội tuyển mạnh nhất châu Á. Chúng ta đã mất hơn 10 năm, với ít nhất 4 vòng chung kết Asian Cup, để tìm lại được suất chơi tứ kết (2007 và 2019), tức là về lý đã lọt vào top 8 đội mạnh nhất, tính theo biểu đồ thành tích. Nhưng thậm chí là nhóm 12 đội tuyển đá vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 vào thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ đứng đội sổ (trên FIFA Ranking), thì vẫn không có nhiều cơ sở để tin tưởng. Nên nhớ, biểu đồ phát triển của bóng đá là hình Sin.

Các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo xem như đã đạt đến đỉnh cao nhất của hình Sin, khi lọt vào được tới vòng loại thứ 3 FIFA World Cup, tức là đã kịch trần về năng lực chinh phục, để rồi có thể rớt xuống trong tương lai gần. Cái tài của một nhà cầm quân là trụ được trên đỉnh một cách lâu nhất có thể, đồng thời rút ngắn khoảng thời gian khủng hoảng. E rằng, một mình ông Park là không đủ. Ông cần phải được hỗ trợ.

Trong một phát biểu của mình, “thuyền trưởng” người Hàn Quốc đã nói rằng, một mình ông không thể đưa bóng đá Việt Nam đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, tức là vòng chung kết FIFA World Cup. Nó cần một chiến lược dài hơi, với sự hỗ trợ của nhiều địa hạt khác. Nhân tiện, ông Park lấy chính bóng đá Hàn Quốc quê hương mình làm viện dẫn. Trong chiến lược phát triển của bóng đá Hàn Quốc, có 2 khâu rất quan trọng, đấy là đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ. Cả 2 mắt xích này, chúng ta đều yếu và thiếu.

Trong bối cạnh lạm phát và kinh tế bóng đá gặp nhiều khó khăn, việc thu hút nguồn lực đầu tư đã là một việc khó. Chúng ta vốn không sẵn những phân xưởng đào tạo cỡ lớn, không có các sân vận động sức chứa lớn và tương lai gần, khoảng 10 năm nữa, theo dự báo, điều này vẫn không được cải thiện là bao. Giá trị sử dụng với lứa cầu thủ hiện tại, được cho là tài năng nhất nhì mà nền bóng đá từng sản sinh ra trong 20 năm qua, tính bằng 4-5 năm nữa, tức là bằng với chính một kỳ World Cup hay Asian Cup nữa là hết. Vậy ngay lúc này, lực lượng kế thừa là những ai? Rất ít gương mặt trẻ nổi bật.

Tất nhiên, trong 10 hoặc 30 năm nữa, là một khoảng thời gian dài và được tính bằng hàng chục thế hệ cầu thủ. Nhưng nếu ngay từ lúc này nền bóng đá không tập trung vào việc ngay, mà vẫn mải mê hớt váng thành tích từ một đôi lứa cầu thủ hiện tại, thì nhiều chục năm cũng chỉ như cái chớp mắt.

HÀ TRANG

.
.
.