V-league 2021 tiến thoái lưỡng nan
V-League 2021 đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. |
Nhưng đó chỉ là phương án mà VPF đề xuất và được Hội đồng quản trị của công ty thông qua còn để trở thành quyết định chính thức thì còn phải chờ ý kiến của Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ai cũng hiểu bất cứ quyết định nào liên quan đến V-League và các giải đấu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều thuộc quyền của VFF.
Chỉ có điều, việc các CLB bức xúc và không đồng tình cũng là dễ hiểu, nhất là khi họ chính là nhân tố chính làm nên thành công của giải đấu số 1 bóng đá Việt Nam.
Đã có quá nhiều ý kiến, những phân tích từ các chuyên gia, những ông chủ đội bóng hay từ chính các huấn luyện viên, cầu thủ cho rằng việc dừng V-League quá lâu, tới tận tháng 2 năm sau mới tiếp tục tổ chức kéo theo nhiều hệ lụy, từ việc phong độ cầu thủ suy giảm, kế hoạch tập luyện bị phá vỡ hoàn toàn và nhất là gánh nặng tài chính.
Đó đều là những ý kiến xác đáng và nhìn từ thực tế của từng CLB cũng như môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và việc từng CLB nêu lên ý kiến của mình cũng giống như việc họ nói lên tiếng lòng. Tuy nhiên, từ phía nhà tổ chức, cụ thể là Ban điều hành giải, thuộc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) họ cũng có cái khó riêng.
Kế hoạch thi đấu của đội tuyển quốc gia tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022, vòng loại U23 châu Á hay AFF Cup ở thời điểm 3 tháng cuối năm 2021 là quá dày đặc. Vì thế, việc xếp lịch thi đấu V-League xen kẽ vào khoảng trống giữa các giải đấu của đội tuyển quốc gia chẳng khác nào khó như lên trời, nếu như không muốn nói là không thể.
Trong khi đó, kịch bản hủy luôn giải ở thời điểm hiện tại, công nhận chức vô địch cho đội đang dẫn đầu là Hoàng Anh Gia Lai hay không có đội xuống hạng… cũng không thể thực hiện vì còn gắn đến quyền lợi của nhà tài trợ, nhất là khi các khoản tiền chi cho V-League đã được giải ngân.
Ấy là chưa kể đến việc trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì khả năng V-League được các cơ quan có thẩm quyền cho phép diễn ra cũng là không thể.
Nói như thế để thấy rõ một điều, bất cứ quyết định nào liên quan đến sinh mệnh của V-League 2021 cũng cần phải có sự thận trọng, bàn bạc kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên. Không có giải pháp nào là hoàn hảo, đó là điều chắc chắn, vì thế, chọn phương án nào an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và ít thiệt hại nhất là điều cần thiết.
Việc tổ chức được một giải đấu thể thao như V-League cũng là một cách ghi nhận thành quả công cuộc chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự đồng lòng của toàn thể nhân dân nên không thể đưa ra quyết định vội vàng.
Trên thực tế, nếu V-League kéo dài tới tháng 2/2022 mới tiếp diễn thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với từng cầu thủ cũng như 14 CLB. Không loại trừ khả năng các đội bóng sẽ thanh lý hợp đồng với ngoại binh, cắt giảm lương của những cầu thủ khác còn trong hợp đồng. Không thi đấu, CLB cũng không duy trì tập trung tập luyện nhiều tháng, đội bóng giải tán, nhiều cầu thủ bơ vơ vì chỉ có khoảng 40-50 cầu thủ nằm trong kế hoạch của đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup tới đây. Thậm chí, với những đội bóng ở trong tâm dịch như TP.Hồ Chí Minh thì trả cầu thủ về quê, họ cũng phải cách ly và sau đó không biết làm gì, chẳng khác nào thất nghiệp như một số ngành nghề khác khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng. V-League 2021 thực ra đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.
LÂM CHI