EURO 2020 đang đếm ngược ngày kết thúc, khi 8 trận đấu ở vòng 16 đội đã kết thúc với rất nhiều những cơn địa chấn và chứng kiến đương kim vô địch, đương kim Á quân và ít nhất 2 ứng cử viên vô địch khác sớm xách valy về nước.
Thụy Sĩ đã làm nên con địa chấn tại EURO 2020 khi loại ƯCV số 1 Pháp ra khỏi cuộc chơi trong một trận cầu khó tin (1-0, 1-3, 3-3 và 5-4 trong loạt sút luân lưu). |
1. Bảng F được xem là bảng đấu tử thần với sự có mặt của ĐKVĐ Bồ Đào Nha và Á quân Pháp và đội bóng giàu truyền thống nhất Đức. Kết thúc vòng bảng, cả 3 ông lớn này đều xuất sắc giành vé vào vòng 1/8 bất chấp sự “‘nổi loạn” của Hungary. Việc 3 đội bóng lớn này cùng vượt qua vòng bảng khiến cuộc chiến tới ngôi vương hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và kịch tính ngay từ những vòng knock-out đầu tiên. Tuy nhiên, trong một kỳ EURO khác biệt, những điều dị biệt cũng sớm xuất hiện khi nhiều ông lớn ngã ngựa trước đối thủ yếu hơn.
Pháp được đánh giá cao hơn Thụy Sỹ rất nhiều và đã vươn lên dẫn trước 3-1 cho tới gần hết trận, nhưng sự chủ quan đã khiến ĐKVĐ thế giới, đương kim Á quân EURO bị đối thủ gỡ hòa 3-3 trước khi gục ngã trên chấm 11m. Diễn ra trước đó một ngày, ĐKVĐ Bồ Đào Nha dù thi đấu lấn lướt hoàn toàn Bỉ nhưng chung cuộc vẫn nhận thất bại với tỷ số tối thiểu. Rạng sáng 30/6, Đức nhận thất bại 0-2 trước Anh. Như vậy, cùng với việc Hungary đã bị loại từ vòng bảng, cho đến thời điểm vòng 1/8 hạ màn, tất cả các đại diện của bảng tử thần đều đã được... tử thần gọi tên và sớm nói lời chia tay ngày hội bóng đá châu Âu.
Ở vòng 1/8 cũng chứng kiến đương kim Á quân thế giới Croatia rời cuộc chơi. Đây là tiền lệ đầu tiên trong lịch sử, nhưng đây cũng được xem là sự kiện hy hữu và có lẽ rất lâu nữa mới tái diễn.
2. Phút 52 trong màn so tài với Czech, Hà Lan chỉ còn thi đấu với 10 người khi trung vệ De Ligt bị truất quyền thi đấu. Trước đó, trong nỗ lực ngăn cản Patrick Schick ghi bàn, trung vệ De Ligt đã dùng tay chặn bóng. Ban đầu, trọng tài chính chỉ rút ra thẻ vàng, nhưng sau khi VAR vào cuộc, De Ligt đã phải nhận thẻ đỏ. Theo thống kê, Hà Lan đã nhận 4 thẻ đỏ trong các kỳ EURO và đều đến ở các trận gặp những đội bóng có liên quan tới Czech. Đầu tiên là Tiệp Khắc cũ (2 thẻ năm 1976 với trường hợp Johan Neeskens, Wim van Hanegem) và CH Czech (2 thẻ năm 2004, 2020 với trường hợp John Heitinga và De Ligt).
3. Trong số 8 đội bóng được chia thành 4 cặp tứ kết, có ít nhất 4 cái tên đang sẵn sàng sắm vai ‘’ngựa ô’’ tại giải đấu năm nay là Đan Mạch, Ukraine, Thụy Sỹ và CH Czech. Theo phân nhánh, chia cặp, 4 cái tên kể trên sẽ có ít nhất 1 đội bóng giành vé vào bán kết, khi Đan Mạch và CH Czech sẽ chạm trán nhau.
Thụy Sỹ sau màn trình diễn xuất sắc trước Pháp hứa hẹn sẽ là thách thức không hề đơn giản dành cho Tây Ban Nha, đội bóng vốn đang thi đấu tương đối kém cỏi ở vòng chung kết EURO năm nay. Ukraine có lẽ là ‘’ngựa ô’’ gặp khó khăn nhất, khi phải chạm trán đội tuyển Anh.
4. Trước màn so tài với Pháp, Thụy Sĩ chưa vào tứ kết một giải đấu lớn nào kể từ năm 1954 đến nay - khi đó họ là nước chủ nhà World Cup. Do đó, chiến thắng 5-4 trước Pháp trên chấm luân lưu là chiến thắng lịch sử mà Thụy Sỹ đã phải chờ đợi suốt 67 năm. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng này góp mặt ở tứ kết EURO sau 5 lần tham dự (1996, 2004, 2008, 2016, 2020).
Tương tự như Thụy Sỹ, giải đấu năm nay cũng chứng kiến cột mốc lịch sử của bóng đá Ukraine. Sau 2 lần gần nhất (2012, 2016) tham dự và đều bị loại ngay vòng bảng, Ukraine giành tấm vé vớt vào vòng 1/8 và tiếp tục viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình sau thắng lợi trước Thụy Điển trong hiệp phụ.
5. Ngoại trừ chiến thắng tối thiểu của Bỉ trước Bồ Đào Nha, vòng 1/8 chứng kiến những cơn mưa bàn thắng trên khắp các sân cỏ châu Âu. Đáng chú ý là ở ngày thi đấu thứ 3 của giai đoạn 1/8 với 2 cặp đấu Tây Ban Nha 5-3 Croaita và Pháp 3-3 Thụy Sỹ đã có tổng cộng 14 bàn thắng được ghi. Tính tổng cộng 8 cặp đấu đã có 29 bàn thắng, nhiều nhất trong lịch sử các vòng knock-out.
Trong lịch sử, chưa có vòng knock-out nào mà một ngày thi đấu chứng kiến nhiều bàn thắng như thế. Trước đó, ở vòng bảng cũng từng chứng kiến một này thi đấu bùng nổ bàn thắng với 18 lần lưới rung ở 4 cặp đấu của bảng E (Slovakia 0-5 Tây Ban Nha, Thụy Điển 3-2 Ba Lan) và F (Đức 2-2 Hungary , Bồ Đào Nha 2-2 Pháp).
XUÂN KỲ
(Tổng hợp)