.

Sự ra đời và hình thành Cúp vô địch các quốc gia châu Âu

Cập nhật: 19:23, 09/04/2021 (GMT+7)

Sau một năm bị hoãn do đại dịch COVID-19, EURO 2020 sẽ diễn ra từ ngày 11/6 đến 11/7/2021. EURO hay được gọi là Cúp vô địch các quốc gia châu Âu hiện đang là giải đấu bóng đá cấp độ ĐTQG dành cho các quốc gia châu Âu hấp dẫn nhất nhì thế giới, chỉ kém World Cup. Ra đời từ năm 1960, với thể thức 4 năm tổ chức 1 lần, tính đến nay, đã có 15 kỳ EURO diễn ra.

Henry Delaunay và chiếc cúp vô địch mang tên người cha đẻ ra giải đấu EURO.
Henry Delaunay và chiếc cúp vô địch mang tên người cha đẻ ra giải đấu EURO.

CHA ĐẺ CỦA GIẢI EURO

Người Pháp đã nghĩ ra World Cup cũng như chiếc Cúp C1 châu Âu danh giá, nay là Champions League. Và người Pháp cũng là tác giả của EURO, tức giải Vô địch bóng đá châu Âu. Tên gọi ban đầu của giải này là “Cúp Các Quốc Gia châu Âu” (European Nations Cup), sau đó đổi thành giải “Vô địch bóng đá châu Âu” (European Football Championship) từ năm 1968. Hiện nay, tên đầy đủ của giải đấu là UEFA European Championship.

Tuy nhiên, từ lâu nay, giới hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới đã quen với khái niệm EURO, kèm theo năm tổ chức, như một cách gọi quy ước. EURO 2016 chẳng hạn. Tiếc thay, khi EURO 1960, tức kỳ EURO đầu tiên chính thức khai diễn, thì cha đẻ của giải này là ông Henri Delaunay đã qua đời (mất năm 1955).

Khi còn là tổng thư ký LĐBĐ Pháp, Delaunay đã đưa ra ý tưởng tổ chức EURO từ năm 1927. Nhưng ý tưởng của ông không được các nước châu Âu hoan nghênh cho lắm. Thậm chí, World Cup còn chưa ra đời ở thời điểm ấy. Và suy cho cùng, vì sao một giải vô địch bóng đá thật hấp dẫn lại phải gói gọn trong phạm vi các nước châu Âu thay vì mở rộng ra toàn thế giới?

Ở thời điểm Henri Delaunay kêu gọi tổ chức một giải bóng đá giữa các quốc gia châu Âu thì đội bóng số 1 thế giới là Uruguay (vô địch Olympic 1928) chứ không phải bất cứ đội tuyển châu Âu nào. Giải EURO mà Henri Delaunay ấp ủ đành phải nhường chỗ cho World Cup, giải bóng đá mà đồng hương và cũng là đồng nghiệp của Delaunay, ông Jules Rimet, tích cực vận động.

Vì World Cup (ra đời năm 1930), vì chiến tranh, và vì nhiều nguyên nhân khác nữa, Henri Delaunay phải đợi mãi đến năm 1954 mới có dịp làm sống lại ý tưởng của mình. Ông chính là tổng thư ký đầu tiên, khi UEFA tức LĐBĐ châu Âu được thành lập vào năm 1954. Nhưng đến năm 1955 thì Henri Delaunay qua đời.

Con trai ông là Pierre Delaunay kế tục ghế tổng thư ký UEFA và tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng của cha. Đến ngày 28/6/1957 thì đứa con tinh thần của gia đình Delaunay mới được hình thành.

Tại một phiên họp lịch sử của UEFA, 14 quốc gia thành viên (Tiệp Khắc, Đan Mạch, CHDC Đức, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Luxembourg, Ba Lan, BĐN, Romania, Liên Xô, TBN, TNK, Nam Tư) đã bỏ phiếu thuận cho việc tổ chức kỳ Euro đầu tiên. 7 quốc gia bỏ phiếu chống là Bỉ, Phần Lan, Hà Lan, Italia, Na Uy, Thụy Sĩ, CHLB Đức. 5 thành viên bỏ phiếu chống là Ireland, Bắc Ireland, Scotland, Anh, Thụy Điển.

Ở thời điểm ấy, UEFA có 29 thành viên. Có 3 thành viên vắng mặt trong phiên họp lịch sử năm 1957: Iceland, Xứ Wales và Albania. 14/29 là số phiếu còn chưa quá bán (so với tổng số thành viên UEFA), đủ thấy sự ra đời của đấu trường EURO khó khăn như thế nào!

ĐT Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo đang là nhà đương kim vô địch EURO.
ĐT Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo đang là nhà đương kim vô địch EURO.

EURO ĐÃ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Để tưởng nhớ “công sinh thành” của Henri Delaunay, chiếc cúp vô địch EURO được gọi theo tên của ông, cúp Henri Delaunay. Giải EURO đầu tiên (và vài kỳ sau đó nữa) diễn ra theo thể thức loại trực tiếp, 2 lượt.

Đến khi chỉ còn 4 đội thì UEFA tổ chức VCK tại đất nước của một trong 4 đội ấy, tức là 2 trận bán kết, trận tranh hạng Ba và trận chung kết đều diễn ra ở nước ấy và đều chỉ có 1 lượt. Điều này có nghĩa: nước chủ nhà của các kỳ EURO đầu tiên chỉ được chọn sau khi đã kết thúc vòng tứ kết, và đội chủ nhà phải lọt vào vòng bán kết thì mới được chọn đăng cai VCK.

EURO 1980 (mùa giải thứ 6) đánh dấu bước phát triển đầu tiên về mặt quy mô: UEFA mở rộng số đội dự VCK lên đến 8 đội. Các đội dự VCK được chia thành 2 bảng, thi đấu vòng tròn, chọn 2 đội đầu bảng vào chung kết, 2 đội nhì bảng tranh hạng Ba. Để tổ chức thành công VCK EURO, nước chủ nhà phải có thời gian chuẩn bị thật tốt. Do vậy, nước chủ nhà phải được chọn từ trước. Hệ quả: đây là lần đầu tiên đội chủ nhà EURO được vào thẳng VCK.

Đến EURO 1996 thì giải lại có thêm một bước tiến mới: có đến 16 đội dự VCK, chia thành 4 bảng thi đấu vòng tròn, chọn ra 8 đội vào tứ kết, tiếp tục đá loại trực tiếp cho đến khi xác định nhà vô địch. Đương nhiên UEFA phải thay đổi như vậy cho phù hợp với hoàn cảnh mới: số quốc gia thành viên của UEFA đã tăng vọt sau khi Liên Xô tách ra thành 15 nước, Tiệp Khắc và Nam Tư cũng đều chia thành nhiều quốc gia khác nhau.

VCK tăng từ 4 đội lên 16 đội. Số trận đấu ở VCK tăng từ 4 lên 31. Thời gian tăng từ 1 tuần lên đến 3 tuần thi đấu liên tục, đấy là những bước phát triển mạnh mẽ của đấu trường EURO trong 13 lần giải vừa qua.

Cũng vì EURO phát triển như vậy nên có thực tế là một số quốc gia châu Âu bây giờ không kham nổi VCK dù muốn đăng cai. Giải pháp mới nảy sinh: UEFA có thể chọn 2 nước khác nhau cùng tổ chức VCK. EURO 2000 là lần giải đầu tiên có đến 2 nước chủ nhà. Thậm chí, EURO 2020 (hoãn tổ chức sang 2021 do đại dịch COVID-19) được tổ chức trên khắc các quốc gia châu Âu.

CÀNG NGÀY, EURO CÀNG HAY

Vạn sự khởi đầu nan. Trong lĩnh vực nào của cuộc sống thì quy luật này cũng có tác dụng. Bây giờ, số đông cho rằng EURO là đấu trường lớn thứ 3 trong thế giới thể thao, chỉ đứng sau Olympic và World Cup. Thậm chí không ít người khẳng định rằng, vì sự đồng đều giữa các đội, chất lượng chuyên môn của EURO còn cao hơn World Cup.

Khi FIFA mở rộng đấu trường World Cup lên 24 đội (năm 1982) thì có đến 14 đội châu Âu dự VCK. Nhưng ở thời điểm ấy, chỉ có 7 đội châu Âu vượt qua vòng loại để cùng đội chủ nhà Pháp dự VCK EURO 1984. Điều đó cho thấy: có hẳn một giai đoạn, được dự EURO khó hơn được dự World Cup.

Nhưng xin nhắc lại: đấy là EURO trong thời kỳ hiện đại. Ngày xưa, EURO “chán” hơn rất nhiều so với bây giờ. Cũng giống như World Cup trong thời buổi đầu, có những cường quốc bóng đá nhìn về EURO bằng cặp mắt nghi ngờ và chưa vội tham gia. Anh, Italia, Đức, Thụy Điển, Scotland, Xứ Wales, Bắc Ireland đều nói “không” với kỳ EURO đầu tiên.

Nên nhớ: Thụy Điển và Đức khi ấy là 2 trong 4 đội mạnh nhất thế giới trên danh nghĩa (dựa vào thành tích tại World Cup 1958). Anh và Đức sẽ là 2 đội đá trận chung kết World Cup 1966, nhưng mãi đến kỳ EURO 1968, Đức mới tham gia lần đầu tiên.  Thật ra, EURO trong thời kỳ đầu không hẳn là kém chất lượng. Khó khăn chủ yếu chỉ đến từ khâu tổ chức. Pierre Delaunay phải khiêm tốn đề nghị thể thức đá loại trực tiếp để tránh mật độ thi đấu dày đặc, dù thật các đội chỉ đá vài trận trong suốt 2 năm!

Chẳng hạn, Liên Xô đá trận đầu tiên tại EURO 1960 với Hungary (vòng 1/8) vào ngày 28/9/1958, tại Moscow. Gần một năm sau, đôi bên mới lại gặp nhau trong trận lượt về, tại Budapest. Đối thủ của Liên Xô ở vòng tứ kết là TBN bỏ cuộc vì nguyên nhân chính trị. Mãi đến tháng 7/1960, Liên Xô mới lại đá trận bán kết (tức một trong các trận đấu của VCK).

Các trận đấu của EURO do vậy thường chìm vào quên lãng. Cũng chẳng mấy ai quan tâm kết quả bốc thăm cho 2 vòng đấu đầu tiên của EURO 1960, vì lễ bốc thăm được tổ chức tại Thụy Điển, ngay trong thời gian diễn ra World Cup 1958.

Chỉ từ khi VCK EURO được chia bảng một cách quy củ (năm 1980), thì vòng loại EURO mới được định hình. Trước đó, trừ một vài trường hợp đặc biệt, EURO không có vòng loại mà các trận đấu đều là chính thức. Thế nên, gọi một cách chính xác thì mỗi kỳ EURO ngày xưa phải có khoảng thời gian 2 năm đi kèm, chứ không chỉ là một thời điểm nhất định. Ví dụ: EURO 1958-1960, EURO 1962-1964.

Dù sao đi nữa, đấu trường EURO vẫn phát triển một cách đều đặn, chắc chắn và bền vững. Đấy là vì bóng đá châu Âu - kinh đô của bóng đá thế giới - luôn có những yêu cầu rất cao, về mọi mặt. Dứt khoát EURO phải là giải bóng đá tầm châu lục số 1 thế giới về chất lượng. Một chi tiết lạ để kết thúc bài này: so với tất cả các giải vô địch bóng đá tầm châu lục khác, EURO chính là giải… non trẻ nhất, ra đời muộn nhất!

XUÂN NGUYỄN 
(Tổng hợp)

.
.
.