Sức sống của V-League
Những hình ảnh biết nói truyền đi từ Hà Tĩnh, Nam Định và Bình Định, cho thấy sức hút mãnh liệt của các đội bóng còn giữ được tính vùng miền, bản địa. Khán giả, hay tốt nhất là CĐV, mới là đội ngũ nuôi sống bóng đá.
Mặc dù chỉ phát hành 10 ngàn vé mời, với sự đảm bảo chặt chẽ của an ninh và công tác tổ chức, nhưng người ta tính rằng, đã có khoảng hơn 15 ngàn khán giả tìm đến sân Quy Nhơn, trong trận tiếp SHB Đà Nẵng ở vòng 4 LS V-League 2021 năm nay. Dễ cảm nhận được hào khí Tây Sơn, khi đây mới là trận đầu ra mắt CĐV nhà của Bình Định. Trước đó, sân Quy Nhơn được đại tu và đội bóng đất võ đã phải chơi tạm ở sân 19/8 Nha Trang.
“Từ Hà Nội, vào Sài Gòn, tôi chưa từng được chứng kiến sự cuồng nhiệt của CĐV, dành cho đội chủ nhà lớn đến vậy, dù các đội bóng mà tôi huấn luyện trước đây chơi không tệ. Thật tuyệt vời và chính việc được tựa lưng vào khán đài chiến đấu, trong một dịp đặc biệt, đã giúp chúng tôi bảo toàn được chiến thắng cách biệt tối thiểu trước đội đang dẫn đầu bảng là SHB Đà Nẵng. Cảm ơn các cầu thủ và xin được gửi lời biết ơn trân trọng đến khán giả Bình Định”, HLV Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.
Dù không có được kết quả tốt như Bình Định ở lượt trận vừa qua, nhưng bầu không khí cổ động ở Hà Tĩnh và cả ở Thiên Trường, có ý nghĩa tinh thần quan trọng với 2 đội bóng bị đánh giá là yếu, ở mùa giải năm nay. Chắc chắn Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Nam Định sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để đền đáp sự tin yêu của người hâm mộ.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bên cạnh một số CLB được mua đi bán lại và nhập khẩu, ơn giời, vẫn còn những đội bóng giữ được tính địa phương. Than Quảng Ninh, Hải Phòng, SLNA, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định và HAGL..., chiếm quá bán so với số còn lại như 2 đại diện của TP.HCM và B.Bình Dương. CLB Hà Nội sau thời gian dài nuôi cấy CĐV cũng đã rất phát triển đội ngũ cổ động trên khán đài. Đấy là điều đáng mừng.
Chắc chắn, trận đấu tới giữa Nam Định và Bình Định, SHB Đà Nẵng gặp SLNA và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp Hải Phòng, các sân bóng sẽ lại được lèn kín. Khán giả tìm lại SVĐ, trong bối cảnh này, là một đặc ân cho V-League.
Cách đây hơn 10 năm, V-League từng được xem là giải đấu số 1 Đông Nam Á, cả về chất lượng cổ động, chuyên môn, đến các vấn đề về thương mại, quảng bá hình ảnh. Nhưng, chúng ta đã ngủ quên trên chiến thắng và mặc dù sự ra đời của VPF là một đòi hỏi bắt buộc của lịch sử, dù nhà điều hành đã đưa ra những phát kiến, song có cảm giác như giải đấu đi giật lùi. May có lứa cầu thủ của HAGL với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... và phần nào đó là Quang Hải và các đồng đội tại Hàng Đẫy, đã kéo lại chút hứng khởi.
Trước đó, dù CLB Hà Nội (với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T) đã nhiều lần vô địch giải đấu cao nhất Việt Nam, nhưng vẫn phải đi thuê mướn CĐV.
Cuộc chơi và việc làm bóng đá chuyên nghiệp không phải bao giờ cũng đứng trước vận may như lúc này. Hậu dịch COVID-19 tại Việt Nam, người ta mới thấy vai trò quan trọng của những điều tưởng như rất đỗi bình thường (nhưng không hề hiển nhiên) là bóng đá. Nhu cầu được xem thứ bóng đá tử tế của người Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng là thế.
TTVN