Franchino Baresi hay Franco Baresi là một cựu cầu thủ bóng đá người Ý chơi ở vị trí libero (trung vệ). Ông là một trong những tài năng lớn nhất bóng đá Italia từng sản sinh và được xem là một trong những Hậu vệ quét xuất sắc nhất trong lịch sử. Khi còn thi đấu, Baresi có biệt danh “Piscinin” - nghĩa là “Người tí hon”.
Trung vệ tài năng của bóng đá Italia và CLB AC Milan. |
BẬC THẦY VỀ PHÒNG NGỰ
Nói về những bậc thầy phòng ngự trong lịch sử bóng đá Italia, mỗi người đều chọn riêng cho mình một người hùng: cứng rắn như Claudio Gentile, điềm tĩnh như Fabio Cannavaro, hào hoa như Alessandro Nesta hay lịch lãm như Paolo Maldini. Người Italia đã tự hào về những ngôi sao đánh chặn của họ không khác gì người Brazil tôn thờ những ngôi sao tấn công. Song khi buộc phải chọn ra người giỏi nhất, tất cả đều nhìn về Franco Baresi.
Mặc dù Franco Baresi chỉ cao 1,76m (hơi thấp trong vai trò hậu vệ) nhưng anh luôn chơi bóng một cách thích hợp. Baresi chuyền khi cần phải chuyền, rê bóng khi cần phải rê bóng, lùi lại khi cần phải lùi lại và di chuyển khi cần một đa giác phối hợp mới. Và tất cả sự vĩ đại được anh làm trong lặng lẽ. Không hò hét ầm ĩ, không vung tay vung chân, anh chỉ chơi thứ bóng đá của mình. Đầu tiên, anh được Sacchi cho đá ở vị trí libero ngày càng lỗi thời phía sau hàng phòng ngự, sau đó, vì cần cải thiện khả năng giăng bẫy việt vị, Baresi tiến lên phía trước đứng ngang hàng với 3 người còn lại trong bộ tứ vệ.
Những ai từng sống trong không khí bóng đá của những năm 1980 và 1990 không thể nào quên được sự vững vàng của Baresi, người luôn có mặt ở đúng vị trí, đúng thời điểm để hóa giải nguy nan. Baresi rất nhanh, nhưng ông nhấn mạnh: “Nhanh trong suy nghĩ” thậm chí còn quan trọng hơn. Không ai đọc trận đấu nhanh như Baresi, cũng không ai tổ chức hàng thủ tốt hơn ông. Phòng ngự khu vực, cắt cử kèm người hay dâng lên bẫy việt vị, Baresi đều thực hiện một cách hoàn hảo. Tạp chí FourFourTwo đã mô tả Baresi như một libero “chưa từng bước sai một nhịp chân” trong suốt cả sự nghiệp của mình.
Minh chứng cho sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự là tại World Cup 1994 diễn ra nước Mỹ. Trong trận chung kết, Baresi đã theo sát ngôi sao sáng nhất của đội quân Samba lúc đó là “Quỷ lùn” Romario như hình với bóng. Mặc dù trước đó, đội tuyển Brazil chơi bùng nổ với mũi nhọn này nhưng Baresi đã khiến “cầu thủ 1000” phải tịt ngòi và không thể phát huy được sở trường của mình. Kết thúc thời gian thi đấu chính thức và cả hai hiệp phụ, Brazil và Italia hòa nhau 0-0. Trong loạt đá luân lưu 11m may rủi, ắt hẳn nhiều người sẽ còn nhớ đến cú sút ra ngoài của ông ở lượt đá đầu tiên, sau đó là cú sút tương tự của Baggio. Những giọt nước mắt của Baresi khi kết thúc trận đấu sẽ còn là nỗi đau không nguôi của người Ý về một đội hình tài năng nhưng lại không thể đăng quang ở giải đấu lớn nhất thế giới.
MỘT TÌNH YÊU BẤT DIỆT VỚI MILAN
Trong màu áo Milan, ông đã có 532 trận đấu và ghi được 16 bàn thắng. Vào tháng 9/1997, một sự kiện sẽ còn được các Rossoneri nhớ mãi như một kỉ niệm hết sức cảm động trong lịch sử CLB. Đó là hình ảnh một fan nhỏ tuổi của AC Milan đã không ngại khó khăn khi trải qua một quãng đường xa xôi từ Ancona để đến San Siro nhằm nói lời cảm ơn Franco Baresi và chủ tịch Silvio Berlusconi về cuốn băng đã được CLB tặng. Sau đó Baresi đã trao cho fan nhí này một chiếc áo số 6 của ông, tượng trưng cho việc chuyển giao thế hệ. Đây cũng là thời điểm Franco Baresi tuyên bố treo giày. Ngay sau đó, CLB AC Milan cũng giành luôn chiếc áo số 6 cho một mình Baresi như lời tri ân tới người đội trưởng tận tụy. 37 tuổi, Baresi tạm biệt sân cỏ và để lại bao nỗi nhớ cho người dân thành Milano.
Trong 20 năm gắn bó với màu áo đỏ đen, ông đã cùng Milan giành được 6 Scudetto, 3 cúp vô địch châu Âu và hai lần lên ngôi vương tại giải đấu Liên lục địa - Intercontinental Cup; 4 siêu cúp Italia (1988, 1992, 1993, 1994). Về danh hiệu cá nhân, Vô địch World Cup 1982, Hạng 3 ở WC 1990, Hạng 2 ở WC 1994, Quả bóng Bạc châu Âu 1989, Cầu thủ hay nhất thế giới theo bình chọn của IFFHS 1989, Cầu thủ hay nhất Ý 1990, Cầu thủ vĩ đại nhất AC Milan thế kỷ 20, Có trong danh sách FIFA 100.
Luôn luôn gắn bó với Milan trong cả lúc vinh quang lẫn khi khốn khó, tinh thần “Forza Milan” của Baresi càng được thể hiện cao độ khi đội bóng Đỏ-Đen hai lần rớt xuống Serie B trong triều đại của ông. Đó là tấm gương để các cầu thủ trẻ hôm nay noi theo, thay vì giải pháp “trốn chạy” như một số “siêu sao” khác trong vụ Calcio 2006.
Sau khi treo giày, Baresi cũng chưa làm việc cho CLB nào khác ngoài Milan, đầu tiên là trên vai trò HLV đội trẻ và sau đó là đại sứ của CLB.
Với Baresi và các tifosi Milan, 20 mùa giải mà ông khoác áo Milan là một tình yêu bất diệt. Tình yêu với Milan của ông được thể hiện khi ông góp công sức cho Milan trong việc đào tạo các tài năng trẻ. Baresi từng tâm sự, nếu không làm việc cho Milan ông cũng chẳng muốn làm cho những CLB khác. Hơn nữa, bóng đá và Milan đã chảy trong dòng máu. Trong nhiều năm liền, Baresi trở thành HLV các đội trẻ của Milan. Chính Baresi đã trực tiếp giới thiệu những tài năng trẻ giàu triển vọng cho Milan như Nicola Pozzi, Ignazio Abate, Lino Marzorati, Davide Di Gennaro, Matteo Darmian, anh em Willy và Pierre Aubameyang, và Alberto Paloschi. Hiện nay, Baresi đã không làm công tác huấn luyện nữa. Thay vào đó, ông chuyển sang bộ phận marketing với nhiệm vụ tìm kiếm tài trợ và quảng bá hình ảnh Milan trên toàn cầu. Dù vậy, ông vẫn thường chú ý đến bóng đá trẻ khắp Italia và một số nước châu Âu, quan sát những tài năng có tố chất để mang về lò đào tạo của Milan.
CHƯƠNG NGUYỄN