Sở hữu tầm nhìn xuất sắc, kỹ thuật, sự tự tin và nét hào hoa, Ginola thường xuyên phá hành lang cánh trước khi bó vào trong và tung ra một cú dứt điểm sấm sét về phía khung thành đối phương. Ông chơi bóng trong một thời kỳ mà trận đấu nặng tính thể lực, nhanh hơn khi chuyển đổi trạng thái và chiến thắng thường được định đoạt ở vị trí cánh.
David có một vẻ đẹp như tài tử điện ảnh. |
CẦU THỦ HÀO HOA LÀM MẪU QUẢNG CÁO
Trong thập niên 1990, Ginola như một hình mẫu cho tất cả về phong cách sống. Vào thời kỳ mà mạng xã hội còn chưa xuất hiện và internet chưa bùng nổ, dường như tiền vệ người Pháp xuất hiện ở khắp nơi, ông trở thành người mẫu cho các nhãn hàng quảng cáo dầu gội và chăm sóc tóc. Vào thập niên 90, khi các cầu thủ dường như vẫn chưa bắt nhịp với xu hướng thời trang phong cách - đặc biệt ở Anh - thì Ginola đã nổi bật hơn tất cả.
Đặc tính của bóng đá Pháp là sự thể hiện - một điệu nhảy thanh lịch hòa quyện với sự uyển chuyển và kích thích. Và dù bóng đá Pháp không thiếu những biểu tượng hay huyền thoại nhưng không phải ai cũng thể hiện được sự đam mê biểu hiện qua lối chơi như Ginola. Từ khi còn trẻ, phong cách chơi bóng hết mình và hoa mỹ của ông đã đưa ông từ đội bóng thuở thiếu thời Toulon tới RC Paris. Ông ở lại đội bóng thủ đô nước Pháp cho tới năm 1990 trước khi gia nhập Brest, nơi những màn trình diễn thực sự gây được ấn tượng với công chúng và Paris Saint-Germain đưa Ginola trở lại thủ đô vào tháng 1/1992.
Trong suốt mùa giải 1992/1993, mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Ginola ở PSG, đội bóng đã giành cúp Quốc gia và vào tới bán kết UEFA Cup trước khi thất bại trước Juventus có một ngôi sao xuất chúng là Roberto Baggio. Khi mùa giải khép lại, tạp chí France Football đã trao cho Ginola danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất năm”.
SỰ CỐ VÒNG LOẠI WORLD CUP 1994 VÀ THÀNH CÔNG Ở NƯỚC ANH
Và cuộc đời thật trớ trêu, đỉnh cao và vực sâu của thế giới bóng đá đôi khi thật gần nhau. Tháng 11 năm đó, trong cuộc đối đầu với Bulgaria thuộc chiến dịch vòng loại World Cup 1994, Ginola và đội tuyển Pháp đứng trước một nhiệm vụ khó khăn. Niềm hy vọng của quốc gia đặt cả trên vai của chàng tiền vệ hào hoa ấy cùng các đồng đội.
Chỉ cần hòa Bulgaria tại sân nhà là Pháp lấy vé dự VCK World Cup 1994. Vào đúng phút chót, khi tỷ số đang là 1-1, thì Ginola có bóng. Nhưng thay vì chơi an toàn, Ginola lại cố mở bóng cho Eric Cantona. Đường chuyền hỏng và Emil Kostadinov có ngay cơ hội ghi bàn từ pha phản công, đem về chiến thắng 2-1 cùng chiếc vé dự VCK World Cup cho Bulgaria. HLV Gerard Houllier bảo Ginola “ám sát đội bóng” là vì lẽ ấy. Kỳ thực, ý tưởng của Houllier xem ra là đáng chú ý, không chỉ vì một pha bóng. Và sự tranh cãi thú vị quanh ý tưởng ấy lại càng đáng bàn.
Khi Ginola sang Anh và ngay lập tức thành công ở Newcastle, có Ginola, Newcastle 2 lần liên tiếp về nhì, trong cái thời kỳ mà ai cũng bảo M.U là đội “vô đối” ở Premier League. Người ta tranh cãi về việc Ginola (cũng như toàn đội nói chung) thiếu phẩm chất phòng ngự nên mới “về nhì đáng tiếc”. Nhưng tất nhiên, vẫn có cái nhìn còn lại: Newcastle mà về nhì thì còn khó hơn M.U vô địch. Và đấy hẳn nhiên là do công lớn của Ginola. Trong mắt của một HLV thiên về tấn công và đánh giá cao các phẩm chất kỹ thuật, sáng tạo, Ginola là viên ngọc quý - miễn bàn. Kevin Keegan là HLV như thế. Nhưng ông phải từ chức, chỉ vài tuần sau khi Ginola tỏa sáng, giúp Newcastle đè bẹp M.U 5-0 ở Premier League. Và đến cuối mùa thì HLV mới Kenny Dalglish bán ngay Ginola, vì đôi bên bất đồng quan điểm với nhau.
Ở CLB tiếp theo là Tottenham, Ginola đoạt được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa bóng 1998/99, của cả hai tổ chức PFA, FWA. Đấy là mùa bóng gắn liền với “cú ăn ba” huyền thoại của M.U. Danh hiệu còn lại, Cúp Liên đoàn, thuộc về Tottenham. Ginola được cả các nhà báo viết về bóng đá lẫn hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh bầu là ngôi sao số 1, trong cái mùa bóng mà CLB của anh chỉ đứng thứ 11 ở Premier League. Trước và sau đó, chưa bao giờ danh hiệu cầu thủ hay nhất Premier League thuộc về cầu thủ của một đội bóng đứng ở nửa dưới trong bảng xếp hạng.
Ngay cả huyền thoại Johan Cruyff cũng từng khẳng định Ginola là “cầu thủ hay nhất thế giới”, luôn kêu gọi Barcelona cố mua lấy tiền vệ này. Kỳ thực, HLV Bobby Robson đã mời Ginola sang Barcelona, nhưng anh từ chối. Rút cuộc, Ginola lại trở thành “hàng phế thải”, khi các HLV sau này của anh (John Gregory ở Aston Villa và David Moyes của Everton) đều thuộc “phe” ưa chuộng phẩm chất phòng ngự hơn là giá trị bay bướm trong cách chơi. Khi Ginola giải nghệ vào năm 2002, anh thực chất chỉ còn là một cầu thủ thất nghiệp, do không được HLV Moyes ký tiếp hợp đồng.
Xem Ginola “tra tấn” những hậu vệ nổi tiếng trên sân cỏ Anh như Gary Neville (M.U), Lee Dixon (Arsenal), người ta sẽ có ấn tượng sâu đậm không thể nào quên về chất “nghệ sỹ” của cầu thủ này. Rõ ràng đến mức HLV Arsene Wenger của Arsenal phải gọi đấy là “tinh dầu của bóng đá Pháp”. Khổ nỗi, hiện thân của cái sự tinh túy ấy lại đâu bao giờ được trọng dụng trong hàng ngũ Les Bleus! Cũng có thể, nói cho đúng thì bản chất đích thực của bóng đá Pháp phải là cái vẻ đẹp mỹ miều nhưng thiếu hiệu quả, từ Michel Platini ngày trước truyền đến David Ginola sau này - chứ bóng đá Pháp không phải là thứ bóng đá của Zinedine Zidane hoặc N’Golo Kante? Đây là đề tài tranh cãi thôi.
Nhưng tóm lại, Ginola đã có một chỗ đứng riêng trong lịch sử Premier League, mà không nhất thiết cứ phải kết nối với thành tích vô địch nào. Anh “nghệ sỹ” từ trong ra ngoài sân cỏ, từ bóng đá đến cuộc đời.
CHƯƠNG NGUYỄN