Bundesliga - nơi nuôi dưỡng các tài năng châu Á

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:06 [GMT+7]
In bài này
.

Makoto Hasebe vừa chính thức trở thành cầu thủ châu Á ra sân nhiều lần nhất tại Bundesliga với 309 trận, vượt qua huyền thoại người Hàn Quốc Cha Bum-kun. Bundesliga rõ ràng là mảnh đất lành với các tài năng tới từ châu Á.

NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG

So với những giải đấu hàng đầu châu Âu khác, Bundesliga chia sẻ chung giá trị với bóng đá châu Á và vì vậy gần gũi hơn rất nhiều. Trên thực tế, bóng đá Đức và châu Á, cụ thể là Đông Bắc Á, đã có truyền thông hợp tác vững chắc từ khá lâu.

Mối lương duyên của nước Đức và bóng đá châu Á đã có từ rất lâu. Năm 1960, huấn luyện viên Dettmar Cramer, người từng vô địch Cúp C1 với Bayern Munich, đến Nhật Bản để chuẩn bị cho Olympic 1964. Vì thế mà sau này, người ta gọi ông là “cha đẻ của bóng đá Nhật Bản”. 

Một thập kỷ sau, lại một huấn luyện viên người Đức nổi tiếng nữa - Hennes Weisweiler của Cologne - phát hiện ra Yasuhiko Okudera và ký hợp đồng với anh. Tháng 10/1977, Okudera trở thành cầu thủ Nhật Bản và châu Á đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp tại châu Âu.

Vài tuần sau khi Okudera ra mắt, một huyền thoại châu Á khác đặt chân tới nước Đức. Cha Bum-Kun đến với Eintracht Frankfurt và rồi trở thành cầu thủ châu Á của thế kỷ. 

Một nhân vật đóng vai trò quan trọng cho mối lương duyên giữa bóng đá Đức và cầu thủ châu Á là Thomas Kroth. Ông là một người đại diện nổi tiếng ở Đức và là cầu nối đầu tiên đưa các cầu thủ Nhật Bản đến với Bundesliga.

Hiện nay, Kroth đại diện hơn 20 cầu thủ châu Á, trong số đó có Shinji Okazaki và Shinjj Kagawa, 2 trong số những cầu thủ Nhật Bản nổi tiếng nhất. Giờ đây, Kroth làm việc với cả cầu thủ Hàn Quốc, thế nhưng, điểm xuất phát là những cầu thủ Nhật Bản do đây là khu vực ông biết nhiều hơn. 

VÌ SAO BUNDESLIGA LÀ THIÊN ĐƯỜNG CỦA CẦU THỦ CHÂU Á?

Lý do đầu tiên khiến Bundesliga là thiên đường với các cầu thủ châu Á là giải đấu này không giới hạn đăng ký lẫn chuyển nhượng các cầu thủ ngoài Liên minh châu Âu.

Thứ hai, Bundesliga rõ ràng là ít tiếng tăm hơn, kém hấp dẫn hơn những Premier League, La Liga… về một số khía cạnh nên số tiền các CLB kiếm được cũng thấp hơn. Với bản tính căn cơ của mình, người Đức cũng có những quy định tài chính vô cùng chặt chẽ. Chính vì vậy, với số tiền ít ỏi của mình, các đội bóng Đức buộc phải hướng con mắt tuyển trạch đến châu Á xa xôi, nơi họ có thể mua được những cầu thủ rất rẻ. 

Một lý do khác là sự tương đồng về triết lý bóng đá. Kể từ sau khi “cải cách”, bóng đá Đức hướng đến lối chơi kiểm soát bóng hiện đại, ban bật ngắn, ít chạm… vốn khá phù hợp với các cầu thủ châu Á. 

Thêm vào đó, Bundesliga giúp các cầu thủ châu Á phát triển và hoàn thiện. Giải Đức không đòi hỏi quá nhiều thể lực như Anh, không quá nặng về chiến thuật như Italia hay thiên về kỹ thuật như La Liga, mà là sự tổng hòa toàn diện các yếu tố. Cầu thủ châu Á tới đây vẫn có được vị trí và có cơ hội phát triển ưu điểm của mình.

Yếu tố cuối cùng là cầu thủ châu Á khá “ngoan”. Trái với không ít các cầu thủ Nam Mỹ vốn sống khá bản năng và hay nổi đình nổi đám trên báo với những phi vụ ăn chơi, tiệc tùng… các cầu thủ châu Á hầu hết được đánh giá là có ý thức kỷ luật tốt và cực kỳ chăm chỉ. 

TRUNG NGHĨA

;
.