BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

Án binh, nhưng không... bất động

Thứ Sáu, 03/04/2020, 21:46 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều nền bóng đá trên thế giới tê liệt, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, trong khó khăn, tất cả vẫn phải tự tìm giải pháp để vượt qua khủng hoảng thay vì than vãn, cãi vã hay chờ ngày phá sản.

Các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai phát khẩu trang miễn phí cho người dân Pleiku ngày 2/2.
Các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai phát khẩu trang miễn phí cho người dân Pleiku ngày 2/2.

Ngoại trừ Hoàng Anh Gia Lai với ông bầu cá tính không giống phần còn lại Đoàn Nguyên Đức, 13/14 CLB dự cuộc họp của VPF cuối tháng 3 mới đây là lời lý giải rõ ràng nhất cho việc các CLB Việt Nam luôn muốn tồn tại. Tất cả cùng chung suy nghĩ mong mỏi dịch COVID-19 sớm kết thúc để mọi thứ đi vào đúng quỹ đạo.

Nếu trái bóng không lăn, không chỉ hợp đồng của VPF với đối tác LS đổ vỡ mà nhiều CLB, đa số đều đã ổn định nhà tài trợ lẫn kế hoạch mùa giải 2020 cũng phải lỡ làng. Đề xuất của Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp về việc hủy bỏ mùa bóng 2020 chỉ là ý kiến cá nhân, không có trong văn bản chính thức. Ngay cả ông bầu cá tính Đoàn Nguyên Đức cũng không có đề nghị như trên.

Với những người lao động, ở đây là các HLV, cầu thủ, đối tượng ảnh hưởng rõ ràng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 đang sống trong lo lắng thật sự. Vì với nhiều người, chỉ khi trái bóng lăn, đồng lương của họ mới được duy trì. Và nhiều cầu thủ sẽ có nhiều hơn chút đỉnh để lo cho gia đình với tiền thưởng có thêm sau mỗi chiến thắng. Hoặc những người bên bờ dốc sự nghiệp, họ trông chờ mùa giải tới để duy trì phong độ, nhằm vớt vát chút bản hợp đồng cuối cùng với CLB khác qua số tiền lót tay rất giá trị.

Thực tế khó khăn đang hiển hiện trên trang cá nhân của nhiều cầu thủ khi không ít người đang lo ngại “cái tuổi nó đuổi xuân đi” và thời gian càng dài không được chơi bóng, đồng nghĩa với chuyên môn, thể lực đi xuống. Trên bình diện đội tuyển quốc gia, khó tưởng tượng kịch bản nếu mùa bóng 2020 không diễn ra. Khi đó, nếu mọi chuyện trở lại bình thường, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ tụt hậu vì cầu thủ không được thi đấu. Các quốc gia khác vẫn họp bàn đề xuất phương án trở lại như bình thường và không có chuyện tất cả cùng đầu hàng COVID-19. Và họ đương nhiên cũng không chờ V-League trở lại để thi đấu.

COVID-19 như cơn bão tàn bạo phá hoại nghiêm trọng đời sống bóng đá mọi quốc gia. Nhưng xu thế hiện tại không thể có một giải pháp khả quan hơn cho V-League 2020 từ VFF, VPF. Nếu mọi thứ khả quan, nhanh nhất mùa giải chỉ có thể trở lại trong tháng 5/2020.

Từ đây đến khi đó, vấn đề nan giải cho các CLB là làm sao ứng phó tốt nhất với tình hình. Đội đang dẫn đầu bảng TP.Hồ Chí Minh như thông báo của HLV Chung Hae Seong đã phải nghỉ luôn đến giữa tháng 4. Các cầu thủ đã giải tán từ lâu và mọi người cố gắng tập trung bảo toàn sức khỏe tốt nhất trước khi tập lại. Tương tự, hàng loạt CLB khác như DNH Nam Định, Hà Nội hay Than Quảng Ninh cũng chấp hành chủ trương của Chính phủ như CLB TP.Hồ Chí Minh.

Đây cũng được xem là quãng thời gian lý tưởng để các CLB lấy điểm với CĐV nước nhà bằng cách nêu cao ý thức cộng đồng. Tại Hoàng Anh Gia Lai, Văn Toàn cùng các đồng đội qua các hành động thiết thực như clip hướng dẫn rửa tay, vệ sinh thân thể thường xuyên còn kêu gọi các CĐV đóng góp cho Quỹ phòng chống dịch bệnh.

Viettel của Quế Ngọc Hải, Văn Quyết ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh của Công Phượng cho tới CLB hạng Nhất như Bình Định cũng tiến hành quyên góp để chung tay giúp đỡ đồng bào. Những hành động của những “người của công chúng” mang thông điệp đầy tích cực và đó là hình mẫu cho cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn bản thân, biết ơn đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm phòng chống dịch bệnh và nỗ lực của Chính phủ bảo đảm an toàn cho mọi công dân.

Điều đáng ngợi khen hơn với các cầu thủ Việt chính là hành động tương thân, tương ái vì cộng đồng. So với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, dù V-League không thể so bì mức lương cầu thủ với những nền bóng đá các quốc gia này, nhưng Công Phượng, Tiến Dũng (TP.Hồ Chí Minh) hay Đỗ Merlo (DNH Nam Định)… là những tấm gương đi đầu trong hành động sẵn sàng giảm lương, chia sẻ gánh nặng cho CLB.

Không chỉ có vật chất, các cầu thủ cũng luôn lắng nghe những tin tức thời sự để theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, qua đó nêu cao ý thức cho mọi người cũng đáng hoan nghênh. Trên trang cá nhân được nhiều người theo dõi, Quế Ngọc Hải, Tiến Linh, Đức Huy… những tuyển thủ quốc gia thường xuyên đăng tải các hình ảnh, clip luyện tập tại nhà được chú ý không kém.

Hành động của họ truyền đi thông điệp “ở nhà” không đồng nghĩa với việc lười luyện tập. Mỗi cầu thủ có cách làm riêng để giữ vóc dáng, sẵn sàng tập luyện trở lại. HLV Văn Sỹ hay HLV Chung Hae Seong đã đề nghị các cầu thủ báo cáo tình hình thường xuyên để ban huấn luyện biết về tình hình sức khỏe của họ. Theo kế hoạch, nếu sau ngày 15/4 tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các CLB có thể tập trung trở lại để chuẩn bị cho mùa giải được ấn định có thể diễn ra vào đầu tháng 5.

VIỆT HÀ

 
;
.