Barcelona là cỗ máy đốt tiền
Lionel Messi vừa xác nhận cùng các đồng đội giảm 70% tiền lương, sau khi, Barcelona thông báo áp dụng quy định việc làm tạm thời (ERTE) mà Tây Ban Nha cho phép. Điều này phản ánh tài chính là gánh nặng lớn với Barcelona. Trên thực tế, Barcelona đang như một cỗ máy đốt tiền, và việc không thi đấu vì COVID-19 gây ra những thiệt hại khổng lồ.
Barcelona tốn hơn nửa tỷ euro để trả lương cầu thủ. |
BARCELONA GIẢM LƯƠNG ĐỂ SINH TỒN
Hôm 30/3, Lionel Messi đăng tải một bức thư dài trên Instagram, nói về việc hỗ trợ Barcelona trong đại dịch COVID-19. Trong bức tâm thư Messi thể hiện tình cảm với CLB, khẳng định anh và các đồng đội luôn làm những điều tốt nhất cho Barcelona. Messi cùng các cầu thủ đội một đồng ý giảm lương 70%. Từ đó, Barcelona cam kết trả lương 100% cho bộ phận phi thể thao.
Trên thực tế, quyết định của Messi và các đồng đội chỉ được đưa ra sau khi Barcelona thông báo áp dụng quy định ERTE. Đúng hơn là Messi không thể không giảm lương. Đây là xu thế chung của các đội bóng chuyên nghiệp Tây Ban Nha, vốn có nền tảng tài chính rất khiêm tốn (bản quyền truyền hình La Liga tương đối thấp, nếu so với Premier League. Trong đó, phần lớn được chia cho Real Madrid và Barcelona). Ban đầu, Messi cùng nhóm thủ lĩnh (Busquets, Pique và Sergi Roberto) nhất quyết không thỏa hiệp. Được Hiệp hội cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) chống lưng, họ chỉ đồng ý giảm 10% lương, và phản đối ERTE.
Messi viết bức thư đầy cảm động rất đúng thời điểm, để thể hiện anh luôn đứng về Barcelona. Trước đó, các khu vực bóng rổ, futsal, khúc côn cầu đều chấp nhận đề xuất của CLB. Ngôi sao bóng rổ Nicola Mirotic đã đồng ý giảm lương 70% từ khi CLB còn chưa thông báo áp dụng ERTE. Chính Mirotic vài ngày trước đứng ra khuyên Messi và đội bóng đá nên nghĩ cho Barcelona ở thời điểm khó khăn vì COVID-19.
Giảm lương giữa đại dịch COVID-19 không phải chuyện lạ ở bóng đá châu Âu. Bayern Munich dễ dàng đạt thỏa thuận giảm 20% tiền lương với các cầu thủ. Juventus vừa đề xuất ý kiến, HLV Maurizio Sarri và cầu thủ đồng ý không nhận lương trong 4 tháng (gồm 3, 4, 5 và 6/2020). Trong tâm trạng thỏa thuận thoải mái. Ngược lại, Barcelona mất nhiều thời gian tranh cãi và chỉ trích lẫn nhau.
Việc Barcelona làm mọi cách để giảm lương cầu thủ cho thấy khó khăn của CLB. Barcelona là CLB bóng đá có quỹ lương cao nhất thế giới. Ngân sách mùa này của Barcelona là 1,047 tỷ euro. Trong đó, chỉ lương của các cầu thủ đã lên đến 542 triệu euro.
Barcelona là 1 trong 4 CLB không hoạt động theo mô hình công ty ở Tây Ban Nha (cùng Real Madrid, Osasuna và Bilbao). Theo đó, Barcelona được xếp vào nhóm hoạt động phi lợi nhuận, nhận nhiều ưu đãi thuế (từng có CLB khiếu nại các đội này lên EU về tính công bằng). Đồng thời, Barcelona là một bộ máy rất cồng kềnh. Bảng lương Barcelona có đến 1.800 đầu mục. Trong đó, 540 trường hợp không liên quan thể thao. Tiền lương phải trả cho hoạt động phi thể thao là 37 triệu euro.
Chưa kể, chênh lệch chuyển nhượng trong mùa giải của Barcelona là số âm 124 triệu euro. Không thi đấu do đại dịch COVID-19, khía cạnh thương mại Barcelona bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có doanh thu bán vé, cũng không có thu nhập từ hoạt động thăm sân Nou Camp. Giải pháp tối ưu của Barcelona là giảm lương để tồn tại.
CHÍNH SÁCH THỂ THAO SAI LẦM
Sự cồng kềnh trong bộ máy thể thao khiến Barcelona tốn rất nhiều chi phí. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển nhượng là một vấn đề khác, ngốn không ít ngân sách. Mùa này, Barcelona chi 273 triệu euro để mua cầu thủ, nhưng hiệu quả không cao. Antoine Griezmann có giá 120 triệu euro nhưng đóng góp hạn chế. Frenkie de Jong có thời điểm nổi bật, nhưng xét toàn diện thì hiệu quả không được như mong đợi. 18 triệu euro cho Martin Braithwaite mới chỉ đổi lại bằng 127 phút La Liga. Tất nhiên, không có bàn thắng.
Vấn đề chuyển nhượng của Barcelona không chỉ xuất hiện mùa này. Mùa giải 2018-2019, 129 triệu euro được bỏ ra, nhưng hiện chỉ có Lenglet và Arthur Melo có vị trí thường xuyên. Dù vậy, giá trị mà họ thể hiện chỉ ở mức trung bình. Trước đó, 324 triệu euro chuyển nhượng mùa 2017-2018 là thảm họa đúng nghĩa (chưa tính tổng cộng 80 triệu euro trả sau vụ Philippe Coutinho và Ousmane Dembele). Hợp đồng đắt giá nhất lịch sử, Coutinho, hiện cho Bayern Munich mượn và mùa tới cũng khó tìm được chỗ đứng ở Nou Camp. Cầu thủ đắt thứ hai, Dembele, thì đi từ chấn thương đến chấn thương.
Mùa trước, Barcelona đạt doanh thu 990 triệu euro. Nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt 4,5 triệu euro. Kiếm tiền giỏi, nhưng Barcelona cũng thực sự là một cỗ máy đốt tiền, với nhiều hoạt động không hợp lý hoặc sai lầm.
NGỌC HUY