Sau khi kết thúc kỳ nghỉ đông, Chelsea sẽ có trận đấu quan trọng với Manchester United vào ngày 18/2. Nhìn vào những gì đối thủ đang trải qua dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, đội bóng áo xanh cũng nên nhìn nhận lại mình.
Sự đi xuống của đối thủ Manchester United những mùa gần đây là lời cảnh báo cho Chelsea nếu không muốn sa lầy vào vết xe đổ. |
STAMFORD BRIDGE KHÔNG NÁO NHIỆT NHƯ TRƯỚC
Mới đây, theo tiết lộ của trang Daily Mail, Chelsea là đội lãi ròng nhiều nhất trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất, với số tiền thu được lên tới 174 triệu bảng. Con số này có được một phần từ việc bán Eden Hazard cho Real Madrid, đồng thời đội chủ sân Stamford Bridge chịu án cấm chuyển nhượng từ FIFA.
Đó là một chỉ dấu cho thấy Chelsea không còn thống lĩnh trên thị trường chuyển nhượng nữa. Điều này không làm các cổ động viên cảm thấy hài lòng. Phản ứng dễ thấy ở sân Stamford Bridge: Những tiếng cổ vũ của các cổ động viên Chelsea bị lấn át bởi các cổ động viên đội khách. Điều này chưa từng xảy ra cách đây một thập niên, trong những năm đầu tiên dưới kỷ nguyên Roman Abramovich.
Thay vì những lời cổ vũ động viên, không ít cổ động viên Chelsea bắt đầu tỏ thái độ bất mãn với ban lãnh đạo Chelsea. Trước đây những lời lẽ nhắm vào Michael Emenalo, cựu Giám đốc kỹ thuật và giờ đã hướng đến bà Marina Granovskaia, Giám đốc điều hành. Cuối mùa thứ hai của Antonio Conte, đã xuất hiện những lời lẽ phản đối cách chơi của Chelsea và nó tiếp tục lan đến thời của Maurizio Sarri.
Điều này thực tế đang xảy ra với cả cổ động viên, đối thủ tiếp theo của Chelsea. Các cổ động viên “Quỷ đỏ” đang trút giận lên Phó Chủ tịch Ed Woodward, người ít khi bỏ qua bất cứ trận đấu nào của Manchester United mùa này. HLV Ole Gunnar Solskjaer may mắn không trở thành mục tiêu của những cơn thịnh nộ, một phần vì danh tiếng của ông khi còn chơi bóng tại Old Trafford, khác hẳn với những gì David Moyes, Louis van Gaal hay kể cả Jose Mourinho từng trải qua.
THẦY TRÒ LAMPARD KHÔNG HỀ MIỄN NHIỄM CHỈ TRÍCH
Không rõ có phải tình cờ hay một sự học tập có chủ đích, thay vì chọn lựa một HLV giàu kinh nghiệm và danh tiếng, ban lãnh đạo Chelsea lại quyết định đặt niềm tin vào một cựu cầu thủ như Frank Lampard để kế nhiệm Sarri. Tất nhiên, việc Chelsea không được tham gia chuyển nhượng mùa hè năm ngoái cũng là một rào cản lớn với bất cứ HLV giàu tham vọng nào. Mặt khác, dường như ban lãnh đạo Chelsea cũng muốn xoa dịu cơn tức giận của các cổ động viên Chelsea bằng một người mà họ đã yêu mến trong hơn một thập kỷ chơi bóng tại Tây London. Không chỉ Lampard, họ còn bổ nhiệm một gương mặt được yêu mến nữa ở Chelsea là Petr Cech vào cương vị cố vấn chuyên môn.
Các cổ động viên Chelsea có thể cảm thấy phấn khích khi Lampard đã cho ra lò rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng, thay vì tiếp tục để họ đi học tập ở những đội bóng khác, thứ điệp khúc đã trở nên quá quen thuộc ở những mùa giải trước đây. Những tiếng ồn ào hướng về Lampard hay Cech cũng giảm đi, bởi tình thế của Chelsea không cho phép đội bóng này mua sắm rầm rộ như trước đây.
Nhưng điều này không đồng nghĩa ban lãnh đạo Chelsea có thể thoái thác hoàn toàn trách nhiệm, cũng như miễn nhiễm với những lời chỉ trích. Việc thầy trò Lampard chưa bị bêu tên ở một góc khán đài nào tại Stamford Bridge không đồng nghĩa họ có được liều vắc xin miễn nhiễm cần thiết trong tương lai, khi vị HLV 41 tuổi này được toàn quyền mua sắm từ mùa tới. Không nói đâu xa, đã có những tiếng xì xào xung quanh việc Chelsea không mua sắm thêm tân binh trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, dù án cấm đã được gỡ bỏ vào tháng 12/2019. Điều này có tác động đáng kể đến cơ hội của Chelsea ở các đấu trường trong phần còn lại. Thầy trò Lampard đang để cho Tottenham lẫn Sheffield United rút ngắn khoảng cách, trong khi thách thức ở Champions League sẽ gõ cửa vào cuối tháng tới bằng trận lượt đi vòng 1/8 với Bayern Munich. Nếu muốn tránh Chelsea đi theo vết xe đổ của sự thụt lùi, sẽ không thừa để ban lãnh đạo đội bóng nhìn vào trường hợp của chính đối thủ Manchester United.
LINH SAM