U22 Indonesia đáng gờm, nhưng không đáng sợ!
U22 Indonesia từng gây nhiều khó khăn cho U22 Việt Nam ở vòng bảng, và họ sẽ còn đáng gờm hơn nhiều khi tái đấu chúng ta vào ngày 10/12 tới.
Egy Maulana và Saddil Ramdani đều chơi rất hay trước U22 Myanmar. |
Trước trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 2019, HLV Indra Sjafri đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng sẽ hẹn U22 Việt Nam ở chung kết để đòi món nợ đã vay ở vòng bảng. Và đội bóng trẻ xứ vạn đảo đã chứng tỏ rằng họ hoàn toàn xứng đáng góp mặt ở trận đấu cuối cùng này.
COI CHỪNG HAI CÁNH
Tốc độ, kỹ thuật, và sự nhuần nhuyễn. Đó là những gì chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến trong những miếng đánh biên của U22 Indonesia chiều 7/12. Đội bóng xứ vạn đảo đã thực sự khiến các cầu thủ phòng ngự Myanmar, nhất là các hậu vệ cánh phải trải qua một ngày khốn khổ.
Tình huống Egy Maulana có pha vặn người và đi bóng khéo léo ở cánh phải trước khi tung đường chuyền dọn cỗ cho Evan Dimas mở tỷ số ở phút 57 là minh chứng đầu tiên cho sự nguy hiểm của U22 Indonesia trong các tình huống tấn công biên. Tương tự, pha đi bóng và căng ngang như đặt của Bahar Asnawi để Osvaldo nâng tỷ số lên 3-2 trong hiệp phụ cũng cho thấy sự hiệu quả trong những tình huống xuống biên của U22 Indonesia.
Thực tế thì ngoài 2 pha bóng ghi bàn ấy, U22 Indonesia còn có vô số tình huống phối hợp chồng biên nhịp nhàng và ăn ý khác. Đó đều là những pha bóng thể hiện sự ăn ý, khả năng chạy chỗ, và tốc độ tuyệt vời của các cầu thủ chạy cánh xứ vạn đảo. Saddil Ramdani, cầu thủ đang đá cho Pahang (Malaysia), tiếp tục là mối nguy hiểm lớn nhất, bởi sự lắt léo trong từng bước chạy, cũng như sức dướn tuyệt vời. Nếu như Osvaldo Haay và các chân sút khác dứt điểm tốt hơn, có lẽ U22 Indonesia đã không cần phải đá thêm 30 phút hiệp phụ.
Thực tế thì ông Park thừa hiểu U22 Indonesia đáng sợ thế nào khi tấn công biên. Ở vòng bảng, Ramdani đã nhiều lần khiến Trọng Hoàng “hít khói”, khiến Tấn Sinh phải phạm lỗi, trong khi Hùng Dũng cũng thường xuyên phải lui về để bọc lót cho Văn Hậu ở cánh bên kia. Ở trận đó, U22 Việt Nam chỉ an toàn hơn trong hiệp 2, khi U22 Indonesia chủ động không dâng lên để bảo toàn tỷ số. Và đó là một sai lầm về chiến thuật của HLV Indra Sjafri. Chắc chắn, nhà cầm quân này sẽ không để điều đó tái diễn ở trận chung kết, khi mà tính chất quan trọng đã khác đi rất nhiều.
ĐÁNG GỜM, NHƯNG KHÔNG ĐÁNG SỢ
Sau tất cả những gì đã diễn ra, U22 Indonesia đã chứng tỏ rằng họ xứng đáng là đối thủ của U22 Việt Nam ở trận chung kết. Đội bóng này có thể lực, sức mạnh, tốc độ cũng như độ ổn định về mặt phong độ. Nhưng U22 Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định so với đội bóng này.
Màn ngược dòng ở vòng bảng đã minh chứng cho bản lĩnh của U22 Việt Nam, cũng như kinh nghiệm của HLV Park Hang-seo, còn sau 2 trận bán kết, người ta còn có thể thấy ra được những khác biệt đáng kể khác giữa 2 đội bóng. Thứ nhất, dù có thể lực dồi dào, song việc phải căng mình ra tới 120 phút cũng khiến U22 Indonesia mất nhiều sức hơn so với U22 Việt Nam, đội bóng đá như dạo chơi trước U22 Campuchia. Thứ hai, hàng phòng ngự của Indonesia rõ ràng không quá chắc chắn. Họ đã chơi khá thiếu tập trung trong các tình huống để cho U22 Myanmar gỡ hòa. Và thứ ba, chấn thương của Egy Maulana khiến cho các fan xứ vạn đảo khá lo lắng. “Số 10” đã phải rời sân bằng cáng ở trận đấu vừa rồi, và khả năng đá chung kết còn bỏ ngỏ. Và ngay cả khi nếu có thể góp mặt thì thể lực của anh cũng không đạt trạng thái lý tưởng.
Và điều quan trọng nhất, HLV Park Hang-seo chắc chắn đã đúc rút ra khá nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị những phương án tốt nhất trong trận đấu quan trọng này. Tin tốt là hàng công U22 Việt Nam đang đạt phong độ cực tốt, với sự tỏa sáng của Tiến Linh và Đức Chinh, bộ đôi đã ghi đến 13 bàn thắng, trong khi đó, Hoàng Đức đã cho thấy anh hoàn toàn có thể khỏa lấp khoảng trống mà Quang Hải đã để lại. Trong khi đó, thủ thành Văn Toản đang được đánh giá là chắc chắn hơn so với Bùi Tiến Dũng, người đã mắc sai lầm chết người ở trận đấu với U22 Indonesia ở vòng bảng.
TUẤN CƯƠNG