.

U22 Việt Nam đừng tự tạo áp lực HCV SEA Games

Cập nhật: 19:44, 26/11/2019 (GMT+7)

Những diễn biến ở Philippines gần nhất, từ điều kiện sân bãi dành cho các đội tham dự đến công tác tổ chức của nước chủ nhà cho thấy đặt nặng tấm HCV SEA Games cho HLV Park Hang-seo không khác gì tạo áp lực không đáng có.

Có lẽ lúc này  tấm HCV SEA Games 30 không quá quan trọng với thầy trò HLV Park Hang-seo.  (Ảnh: TTVH)
Có lẽ lúc này tấm HCV SEA Games 30 không quá quan trọng với thầy trò HLV Park Hang-seo. (Ảnh: TTVH)

Chiến lược gia người Hàn Quốc như CĐV đã biết quá bận rộn với “một nách hai con”. Công việc ở 2 đội tuyển khiến ông chịu quá nhiều áp lực và căng thẳng đầu óc. Thầy Park đã thừa nhận không thể chu toàn mọi thứ trước giờ lên đường nhưng cũng do khát khao có được tấm HCV SEA Games, thầy Park đành nhận lời.

U22 Việt Nam chỉ có 2 buổi tập tại TP.Hồ Chí Minh với đầy đủ quân số để rèn luyện chiến thuật. Điều đó cho thấy sự cập rập trong quá trình chuẩn bị. Và khác với nhiều đội tuyển cùng khu vực khác như U22 Thái Lan, U22 Việt Nam cũng bổ sung thêm 2 cầu thủ quá tuổi để nâng cấp đội hình, quyết tâm chinh phục tấm HCV SEA Games cho CĐV nước nhà đang mong mỏi.

Ngay cả Văn Hậu, trong cơ hội “đời người hiếm có” đã được sang Hà Lan chơi bóng đỉnh cao cũng phải về nước tham dự giải đấu ai cũng biết chỉ có ở vùng trũng. Văn Hậu vừa dự SEA Games, có thể vừa đau đáu tiếc nuối từng ngày có thể học hỏi và cạnh tranh suất đá chính ở Hà Lan. Dù biết rằng chỉ đang tuổi 20 và còn nhiều cơ hội rộng mở nhưng vị trí hậu vệ biên của Văn Hậu cũng không dễ dàng gì tìm được đội bóng lớn để đầu quân. Và mỗi ngày trôi qua, cơ hội của Hậu ở Hà Lan có thể cũng eo hẹp dần.

Trận thắng U22 Brunei 6-0 ngày ra quân chiều 25/11 vừa qua đã khiến nhiều CĐV Việt Nam “chế” hình ảnh thủ thành Bùi Tiến Dũng mắc võng nằm trước cầu môn đội nhà. Và tình trạng này lặp đi lặp lại qua nhiều năm ở các kỳ SEA Games với những đội bóng quá yếu, không đáng là quân xanh cho nhiều đội bóng mạnh của khu vực tập dợt.

Và đau đầu hơn nữa cho không chỉ thầy trò HLV Park Hang-seo mà các đội bóng vừa đặt chân sang tham dự Đại hội khu vực khi rắc rối liên tục xảy đến. Nếu cầu thủ nữ Việt Nam gặp vấn đề về chuyện ăn uống thiếu thốn thì các đội bóng nam cũng thiếu chỗ tập luyện. Và tất cả cùng chịu chung tình cảnh kẹt xe, làm ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của các cầu thủ.

Ở trận đấu của đội tuyển U22 Việt Nam vừa qua, BTC còn không cập nhật số liệu các cầu thủ. Tình huống “dở khóc dở cười” khi BTC nước chủ nhà bắn tên Đình Trọng lên bảng thay nguời trong hiệp 2 khiến nhiều CĐV Việt Nam bất ngờ vì Đình Trọng không thể dự SEA Games lần này và người vào thay Đức Chinh là Tiến Linh.

SEA Games diễn ra ở vùng ngoại ô thủ đô Manila và có vẻ chưa được quan tâm đúng mực. Việc thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo là bất lợi đã đành, nhưng chuyện sân tập xa khách sạn, không có phòng thay đồ, thiếu đồ ăn, kẹt xe triền miên… có lẽ khiến CĐV Việt Nam đọc những tin tức đó ít nhiều cảm nhận được sự đi xuống của Đại hội khu vực.

Trước giờ dự SEA Games 30, nhiều ý kiến cũng cho rằng U22 Việt Nam không nhất thiết đoạt HCV SEA Games để chiều lòng CĐV. Trong thời điểm hiện tại, giải đấu này không còn là thước đo cho năng lực thầy trò HLV Park Hang-seo.

Việc có danh hiệu Á quân VCK U23 châu Á năm ngoái và vào VCK U23 châu Á 2020 đã khẳng định bóng đá trẻ Việt Nam có tiến bộ. Ngoài ra, thầy Park cũng giúp CĐV nước nhà “mở mày mở mặt” với vô số kỳ tích cho ĐTQG.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang rộng đường tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022 với vị trí đầu bảng G, xếp trên cả Thái Lan, Malaysia và UAE. ĐTQG mới thực sự là thước đo năng lực nền bóng đá thay vì sàn diễn SEA Games hiện tại.

Việc HLV Nishino từng đến World Cup bất ngờ với sự chuẩn bị tồi tệ của BTC nước chủ nhà và chê bai thẳng thừng sự chuyên nghiệp của SEA Games càng cho thấy giá trị của sân chơi này. Và có thể nhiều CĐV Việt Nam dù kỳ vọng thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ mang tấm HCV SEA Games đầu tiên trong lịch sử về cho nước nhà, nhưng nếu không có cũng không phải là điều gì quá ghê gớm.

Mục tiêu rõ ràng hơn của bóng đá Việt Nam vẫn còn đầy rẫy trong đầu năm 2020, khi U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á ở Thái Lan và hy vọng vé đến Olympic 2020. Ngoài ra là ĐTQG quyết bảo vệ vị trí đầu bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Đó mới chính là những cái đích cần hướng tới thay vì để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

VIỆT HÀ

.
.
.