U22 Việt Nam công cường, thủ có cứng?

Thứ Tư, 27/11/2019, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng công của đội tuyển U22 Việt Nam đã nã đến 6 bàn thắng vào lưới U22 Brunei, trong trận đầu ra quân, nhưng hệ thống phòng ngự (và cả thủ môn) chưa cho thấy bản lĩnh, khi đối thủ gần như không có khả năng phản kháng. HLV Park Hang-seo luôn đề cao sự chắc chắn, tức là không để thua bàn, trước khi chúng ta có thể xé lưới đối thủ.

Hàng công đã thể hiện được sức mạnh, nhưng với U22 Việt Nam hàng thủ vẫn là dấu hỏi.
Hàng công đã thể hiện được sức mạnh, nhưng với U22 Việt Nam hàng thủ vẫn là dấu hỏi.

5 trận đấu tại chiến dịch vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam mới chỉ để lọt lưới 1 bàn (trận gặp Indonesia), nhưng đó là thời điểm kết quả đã an bài.

Trở lại với chiến dịch đổi màu huy chương môn bóng đá nam SEA Games 30 (Philippines 2019). Trận đá với Brunei, ông Park dùng bộ 3 trung vệ giăng ngang là Thành Chung (giữa), Tấn Sinh (phải) và Ngọc Bảo (trái), đứng ở nhiều vị trí phòng thủ khác nhau là Tấn Tài và Thanh Thịnh. Các cầu thủ này tuy còn rất trẻ, nhưng đều đã trải qua trăm trận đánh lớn nhỏ, từ cấp CLB đến các đội tuyển quốc gia.

Phía trên, Thái Quý và Việt Hưng khá đa năng, lên công về thủ nhịp nhàng và chơi kiểm soát. Đấy là chưa kể “play-maker” Hoàng Đức, có thể chơi cả vị trí tổ chức lẫn trung vệ và tiền đạo. Trong tay HLV Park Hang-Seo vẫn còn đầy đủ Văn Hậu, Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Đức Chiến và Quang Hải. Đây mới là những con át chủ bài, khi cần xoay đội hình, thậm chí chuyển đổi chiến thuật.

Để đi đến trận đấu cuối cùng, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ chơi 7 trận đấu, trong vòng hơn 2 tuần. Không có vấn đề gì với người trẻ về tốc độ hồi phục, nhưng chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Đấy là lý do HLV Park Hang-seo phải tính đến chuyện xoay tua đội hình, trước các đối thủ cụ thể, từ dễ đến khó, tránh thiệt quân. Song đồng thời, ông Park Hang-seo cũng phải duy trì được trạng thái và cảm giác bóng.

Từ tuyến 2 đến tuyến đầu, HLV Park Hang-seo có thể xới tung theo kiểu “đảo ngói” qua từng trận, song riêng hàng phòng ngự và hệ thống phòng ngự (bao gồm cả thủ môn), sẽ chỉ có rất ít thay đổi, để hướng tới sự ổn định, chắc chắn. Bởi như đã nhắc, chiến thuật cho hàng phòng ngự là khó làm nhất và cũng khó thực hiện nhất, so với phần còn lại. Một sai số có thể trả giá rất đắt.

Từ thành công tại vòng chung kết U23 châu Á, đến ASIAD 18, AFF Suzuki Cup 2018, AFC Asian Cup 2019 và gần nhất là vòng loại World Cup 2022, đều dựa trên hệ thống phòng ngự chắc chắn, trước khi các cá nhân trên hàng công như Quang Hải, Anh Đức hay Tiến Linh..., tỏa sáng. Bức tường phòng ngự của các đội tuyển quốc gia Việt Nam được ông Park xây dựng kiên cố như tường thạch. Rất ít kẽ hở. Nói theo ngôn ngữ hình ảnh, thì nó như một nắm đấm khi chúng ta thu bàn tay lại, hoặc như củ hành tây nhiều lớp vỏ vậy.

Các đối thủ lớn nhất tại chiến dịch Philippines, chúng ta vẫn chưa gặp. Chiến thuật chuẩn bị giữ vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tiên quyết, quyết định sự thành bại. Còn khi lâm trận, tức là ra thực chiến, hiếm khi nào các HLV “tương kế tựu kế”. Chúng ta đang mang danh kẻ đi chinh phục, nên sự chủ động là cần thiết. Và hẳn HLV Park Hang-seo đã chủ động khi “ôm” U22, cũng như đặt bút gia hạn hợp đồng rồi.

TÙY PHONG

;
.