Pep Guardiola có dám thay đổi?

Thứ Năm, 10/10/2019, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những chỗ hay nhất trong cách huấn luyện theo triết lý của Pep Guardiola là tạo ra được cách chơi nhuần nhuyễn, đến một mức độ gần như tự động hóa. Các thành viên trong một đội bóng do ông huấn luyện không chỉ hiểu rõ họ cần làm gì trong một tình huống cụ thể. Họ còn hiểu rõ suy nghĩ của nhau, hiểu cả ý muốn của HLV trong tình huống ấy.

Tới đây liệu Pep Guardiola có dám thay đổi để giành chiến thắng?
Tới đây liệu Pep Guardiola có dám thay đổi để giành chiến thắng?

Thoạt nghe có vẻ quá lố. Dù sao đi nữa, ít nhất thì đấy cũng là điều mà Pep Guardiola luôn hướng tới. Muốn vậy, ông phải “rao giảng” thật nhiều. Ngoài việc phải nói rất nhiều để áp đặt suy nghĩ, quan điểm, triết lý của mình đến mọi thành viên trong đội, Pep Guardiola còn phải chọn người rất kỹ. Đấy không nhất thiết phải là ngôi sao, nhưng đấy chắc chắn phải là cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá của Pep Guardiola.

Vì sao Liverpool đã nỗ lực đến một mức độ không thể tuyệt vời hơn nữa, rút cuộc vẫn không thể qua mặt Manchester City trong cuộc đua kỳ thú ở Premier League mùa trước? Đấy là vì “cỗ máy” Manchester City khi ấy vận hành quá chuẩn. Và Manchester City trở thành cỗ máy là vì những điều vừa nêu. Liverpool của Juergen Klopp chỉ dùng sức người - không bì được với máy về sự ổn định, chính xác, bền bỉ.

Nhưng tất nhiên, máy thì luôn có những nhược điểm... của máy. Với những gì đã hướng dần đến chỗ đều đặn, nhuần nhuyễn như máy, thì sự thay đổi luôn là điều tối kỵ. Mới đây, Pep Guardiola nói khi được hỏi về các vấn đề chiến thuật của Manchester City: “Thông thường, tôi không dùng cặp tiền đạo”.

Nói chung, Pep Guardiola không thuộc mẫu HLV linh động với các giải pháp chuyên môn. Chẳng phải ông ngại thay đổi, cũng chưa chắc ông không có khả năng điều chỉnh. Vấn đề là, lối chơi theo triết lý của Pep Guardiola mà càng chứa đựng nhiều yếu tố linh động, càng thay đổi nhiều, thì tất nhiên nó càng khó hướng được đến chỗ nhuần nhuyễn như Pep Guardiola mong muốn.

Ngặt nỗi, Manchester City lại thường xuyên đứng trước yêu cầu thay đổi trong mùa bóng này. Cách đây không lâu, đấy là tình trạng hết trung vệ. Bây giờ, Kevin De Bruyne chấn thương, chưa rõ nặng nhẹ đến mức độ nào. Không biết Bernardo Silva rút cuộc có bị treo giò nhiều trận hay không. Đấy là còn chưa kể hàng loạt rủi ro ngẫu nhiên, có thể xuất hiện sau các loạt trận quốc tế sắp tới.

Một mặt, “không dùng cặp tiền đạo” nghĩa là Pep Guardiola không muốn xếp Sergio Aguero và Gabriel Jesus vào một đội hình, cho dù đây không phải là quy luật tuyệt đối. Mặt khác, cũng coi như Manchester City sẽ không bao giờ đá theo sơ đồ 3-5-2 (hoặc 5-3-2). Thông thường, đấy chẳng bao giờ là điều đáng bàn, bởi đá thế nào thì cũng chỉ để hướng tới chiến thắng (mà Manchester City đã là cỗ máy chiến thắng rồi). Nhưng, về lý thuyết, 3-5-2 lại là giải pháp quan trọng, đáng được tính đến bởi nó gần như liên quan đến mọi rắc rối về nhân sự ở Manchester City mùa này.

Kyle Walker và Oleksandr Zinchenko là hậu vệ biên trong đội hình “mẫu” của Manchester City mùa này, nhưng Joao Cancelo và Benjamin Mendy lại đá hậu vệ cánh trong trận gặp Dinamo Zagreb ở Champions League. Giới quan sát nhận định: đấy đều là các hậu vệ cánh tấn công đặc sắc, là mẫu cầu thủ quan trọng và vô cùng cần thiết trong cách chơi 3-5-2/5-3-2. Dùng họ, nhất là đúng với sở trường của họ, là quá tuyệt. Nhưng Manchester City sẽ phải thay đổi cách chơi quen thuộc.

Thật ra, bóng đá đỉnh cao đã quá quen với tình trạng mọi cầu thủ đều chơi được nhiều vai trò khác nhau, trong những sơ đồ khác nhau. Ngoài thủ môn Ederson, không ai trong danh sách Manchester City chơi đủ 630 phút trong 7 vòng đấu vừa qua ở Premier League. Dù muốn hay không, Pep Guardiola đã phải thay đổi, chỗ này hoặc chỗ khác, trong cỗ máy của mình rồi. Nhưng sắp tới, ông có dám thay đổi lớn, hay chỉ bám riết vào cỗ máy chiến thắng của mình?

ĐỨC ANH

 
;
.