.

"Bi kịch" ngoại binh của Hoàng Anh Gia Lai

Cập nhật: 19:25, 01/08/2019 (GMT+7)

Có một điều còn đọng lại trong trận đấu giữa Thanh Hóa và Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 18 V-League 2019 vừa rồi. Đó là hình ảnh Tuấn Anh và Văn Toàn luôn la hét, thậm chí tỏ vẻ không hài lòng với các ngoại binh thi đấu trên sân của đội bóng phố Núi, nhất là tiền đạo Dos Santos Martins Felipe.

Đội trưởng Tuấn Anh tức giận khi ngoại binh Felipe không lắng nghe.
Đội trưởng Tuấn Anh tức giận khi ngoại binh Felipe không lắng nghe.

Felipe đến Hoàng Anh Gia Lai ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa thay cho Chevaughn Walsh. Không khó để nhận ra những tiền đạo ngoại chỉ đến và trụ lại ở đội bóng phố Núi nửa mùa rồi đi. Họ đi vì không tạo ra sự kết dính trong lối chơi và nhiều nguyên do khác nữa. Nhưng rồi, cũng những con người đó lại khẳng định được năng lực khi chuyển sang đội bóng khác cùng sân chơi V-League. Chân sút Rimario là trường hợp điển hình nhất.

Chính vấn đề ngoại binh cả về chất lượng kém, cả chuyện không thể hòa nhập, đã là một trong những nguyên nhân khiến Hoàng Anh Gia Lai không có được kết quả tốt trong nhiều năm gần đây. Con số thống kê chỉ ra rằng, Hoàng Anh Gia Lai đã từng xác lập ký hợp đồng với 6 ngoại binh ở V-League 2015, nhưng không ai gắn bó được lâu dài. Tiền vệ người Nhật Ideguchi có thâm niên ở bản doanh Hàm Rồng được coi lâu nhất thì cũng chỉ gần 2 mùa bóng mà thôi.

Đến đầu mùa giải 2018, Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng với Kim Jin Seo, Rimario Gordon ở lượt đi, nhưng màn thể hiện thất vọng của họ khiến đội bóng phố Núi bắt buộc phải có những sự thay đổi khi thay thế bằng Osmar và Josip Zeba tại lượt về. Tiền đạo Rimario chơi không tốt ở Hoàng Anh Gia Lai, nhưng khi về Thanh Hóa, anh lại thể hiện được phẩm chất của mình. Chứng kiến điều này, không biết Hoàng Anh Gia Lai có tiếc nuối?

Với việc bộ ba Sietsma, Kim Bong Jin và Chevaughn Walsh xuất hiện ở mùa giải 2019, những tưởng sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giải quyết được vấn đề nan giải này. Khách quan nhìn nhận Chevaughn Walsh cũng đã để lại những dấu ấn trên hàng công, nhưng chấn thương liên miên khiến tiền đạo người Jamaica không thể thi đấu ở giai đoạn lượt về.

Thế chỗ cho Chevaughn Walsh, sau 4 trận ra sân, tân binh Felipe Martins vẫn chưa có được bàn thắng nào. Vì thế, hàng công Hoàng Anh Gia Lai phải sống bằng nhịp đập của Văn Toàn cùng những khoảng khắc xuất thần của các cá nhân như Xuân Trường hay Minh Vương. Tuy nhiên, họ đâu phải là mẫu trung phong thực thụ và không phải lúc nào những cái tên đó đều đảm bảo sẽ tỏa sáng.

Một trong những nguyên nhân khiến Hoàng Anh Gia Lai không thể kiếm được nguồn ngoại binh chất lượng nhiều năm qua được cho là do phí lót tay không cao như những đội bóng khác tại V-League, nên hầu hết hợp đồng ngoại binh của họ đều được ký vội theo kiểu “được chăng hay chớ” để chữa cháy. Những gì mà Tuấn Anh hay Văn Toàn “cằn nhằn” đối với các ông Tây trên sân cũng là điều dễ hiểu. Sự không hài lòng đó là có lý nhưng nếu đặt ngược vấn đề: Vì sao có ngoại binh chất lượng (như Rimario) mà vẫn không có chỗ đứng ở Hoàng Anh Gia Lai.

Chính nhà môi giới cầu thủ ở V-League Nguyễn Minh Châu đã chia sẻ về điều này trên trang cá nhân của mình rằng: “Hầu hết ngoại binh từng có kinh nghiệm thi đấu ở Việt Nam đều từ chối đến Hoàng Anh Gia Lai. Còn các cầu thủ mới đến thì họ sẵn sàng thử sức ở CLB khác để tìm cơ hội trụ lại với giải đấu này. Những ngoại binh này cho biết họ khó đạt được phong độ khi chơi cùng đồng đội ở Hoàng Anh Gia Lai. Họ phải chơi theo ý các cầu thủ nội và không có vệ tinh xung quanh. Hoàng Anh Gia Lai không phụ thuộc vào việc đá khoán cho ngoại binh”.

Vô tình điều này khiến những ngoại binh cảm thấy lạc lõng trong triết lý chơi bóng của Hoàng Anh Gia Lai. Họ không quen với cảm giác như thế, có sự hụt hẫng nhất định và điều này khiến họ không thể thoải mái trong cách chơi của mình.

Ngoại binh tệ không thể trụ lại là hẳn nhiên, nhưng có cầu thủ tốt vẫn không hòa nhập được thì nguyên do là từ đội bóng. Hình ảnh “lườm nhau” giữa Tuấn Anh với Felipe Martins chỉ là lát cắt điển hình nhất của vấn đề ngoại binh ở Hoàng Anh Gia Lai lúc này.

TRẦN TUẤN

.
.
.