Bạn nghĩ sao về mùa Hè năm 2019 này? Buồn vì không có World Cup, không có EURO chăng? Có lẽ sẽ rất nhiều người đồng ý với điều này. Tuy nhiên thực tế là mùa Hè 2019 đang trải qua những ngày hội bóng đá sôi động nhất. Chúng ta vừa được đi qua một lúc 3 giải đấu bao gồm U21 châu Âu, Copa America, Gold Cup và vòng tứ kết của CAN 2019 vừa kết thúc.
Ngoài việc giữ chân các ngôi sao, Manchester United đang tích cực mua sắm cho mùa giải mới. |
Bốn giải đấu đã và đang diễn ra cùng thời điểm của mùa Hè 2019 ấy thì không thể là không sôi động được. Sự bão hòa của các trận bóng đá trên truyền hình đã khiến 4 giải đấu lớn đang được kể tên đây bị dân tình hời hợt. Chưa kể một nỗi buồn mang tính “thông lệ”, rằng mùa Hè nào mà thiếu EURO hay World Cup là y như rằng thiếu sự sôi động, thiếu cái để chờ đợi.
Nhưng sâu xa vì chúng ta đang nôn nóng đợi Ngoại Hạng Anh khởi tranh. Gần nửa thập kỷ qua, bóng đá cấp độ ĐTQG đang dần bị cấp độ CLB bỏ lại sau lưng. Ngoại Hạng Anh đã thay đổi tư duy xem bóng ở trong các CĐV. Thay vì đợi những ngày hội bóng đá với 64 trận đấu trong một tháng, thì họ đã chuyển sang đợi các trận đấu cuối tuần.
Ngoại Hạng Anh cũng thay đổi luôn cả thị trường chuyển nhượng. Trong khi các giải U21 châu Âu, Copa America, Gold Cup, và CAN 2019 rõ ràng là 4 mỏ khoáng sản về các cầu thủ tiềm năng, những ngôi sao mai đợi các chuyên gia săn đầu người khai quật, thì giờ tâm lý của thiên hạ trong cơn bão giá lại chỉ thích quan tâm “bom tấn”.
Thực tế đã từ rất lâu rồi, từ cái ngày mà những ông chủ Trung Đông nhúng tay vào bóng đá, và thế giới ít đi những “manager” xây dựng đội bóng từ những viên ngọc thô, giờ đây các CLB lớn đã chuyển sang tình trạng săn các cầu thủ đã có chỗ đứng trên bản đồ bóng đá. Điều này khiến cho các giải đấu như U21 châu Âu, Copa America... vốn là những thị trường màu mỡ về các cầu thủ tiềm năng không được quan tâm đúng mức.
Hãy nhìn Manchester United và Ole Gunnar Solskjaer, thay vì các thông tin về việc Solskjaer quan tâm đến sao mai này hay sao mai kia, thì M.U vẫn chỉ quan tâm trung vệ 26 tuổi Harry Maguire của Leicester City. Cùng với đó là sự chật vật trong việc giữ lại những Lukaku, Pogba, De Gea... những biểu tượng của một M.U đầy hỗn độn. Cần nhớ cho rằng Solskjaer và Manchester United cần những cơn gió mới chứ không phải đi tiếp trong hỗn độn và dùng lương cao để săn cầu thủ.
Số phận khéo trêu ngươi ở chỗ, Ngoại Hạng Anh và nhóm Big Six là những kẻ có trách nhiệm lớn nhất trong việc đội giá cầu thủ này. Chính Chelsea của Roman Abramovich là tấm gương đầu tiên của việc xây dựng một thương hiệu từ tiền bạc. Chính Manchester City là đội bóng đầu tiên được gán cho biệt danh “dùng tiền mua danh hiệu”, và đến giờ vẫn là đội bóng hoạt động mạnh nhất trong các kỳ chuyển nhượng.
Manchester United trong cơn điên vì thất bại liên tục đã là đội đầu tiên mua cầu thủ có cái giá 100 triệu euro, và trả mức lương trên trời cho những cái tên thường thường bậc trung như Phil Jones, Young... Ngoại Hạng Anh trở thành tấm gương cho những PSG “học tập” để phá kỷ lục tiền bạc. Cuối cùng, Premier League lao đao trong cơn bão giá, bỏ quên đi những giá trị truyền thống. Nhìn sang Barca, Bayern, Real, họ có tiền và dùng tiền lớn, nhưng chưa bao giờ họ quên truyền thống.
Phía sau sự lung linh, Premier League hiện ra chân dung của kẻ trong các cuộc “chạy đua vũ trang” đã không ngại bắt tay với các đại diện cầu thủ, đội giá bản quyền truyền hình lên cao, tạo nên một bức tranh kim tiền. Cuối cùng ngẩng đầu than thân trách phận “giờ giá cầu thủ nào cũng cao”.
THƯ KỲ