Gian nan đường xuất ngoại của cầu thủ Việt
Trong khi dư luận, truyền thông và cả những người làm bóng đá Việt Nam đang có mối bận tâm lớn nhất là hợp đồng của HLV Park Hang-seo với VFF, thì việc Công Phượng chưa có visa để sang Pháp thử việc hay Xuân Trường nguy cơ bị Buriram United cho ra rìa, Văn Lâm cùng Muangthong United đứng cuối bảng Thai League bị đẩy xuống hàng thứ yếu cũng dễ hiểu.
Công Phượng đã có lần thứ 2 xuất ngoại thất bại. |
Nhưng với những ai yêu mến bóng đá Việt Nam, thần tượng các tuyển thủ Văn Lâm, Xuân Trường hay Công Phượng thì rõ ràng, họ đã đang và sẽ còn tiếp tục theo dõi hành trình mà những tuyển thủ này đang đi ở những môi trường thi đấu khác ngoài V-League.
Công Phượng thì coi như đã có lần thứ 2 xuất ngoại thất bại, phải rời Incheon United nửa chừng và giờ chuyển hướng thử việc, tìm cơ hội thi đấu tại giải hạng Nhì Pháp. Văn Lâm dù chiếm suất bắt chính tại Muangthong United nhưng ngặt nỗi, đội bóng mà thủ môn này đang đầu quân sau gần hết lượt đi của Thai League 2019 vẫn ở cuối bảng xếp hạng, đối mặt với nguy cơ xuống hạng và chắc chắn đã phải từ bỏ tham vọng cạnh tranh ngôi vô địch như mục tiêu đề ra hồi đầu mùa giải.
Đối với trường hợp của Lương Xuân Trường, dù Buriram United vừa trở lại ngôi đầu bảng xếp hạng Thai League, tràn trề cơ hội bảo vệ thành công danh hiệu vô địch mà họ đang nắm giữ nhưng tiền vệ người Tuyên Quang vẫn vui không nổi.
Đơn giản là bởi Trường chưa và không phải là sự lựa chọn số 1 hoặc số 2 cho vị trí tiền vệ trung tâm trong đội hình thi đấu của Buriram United. HLV Božidar Bandović, người mới đây bày tỏ nguyện vọng được gắn bó lâu dài với đội chủ sân Chang Arena đã không ít lần có những thử nghiệm ở vị trí tiền vệ trung tâm của đội bóng Buriram United, cả ở Thai League lẫn mặt trận AFC Champions League nhưng Xuân Trường không phải là sự lựa chọn hàng đầu.
Xuân Trường đã nỗ lực, thậm chí gấp 2, 3 lần người khác nhưng điểm yếu thể lực thì không thể khắc phục, oái ăm thay, Buriram United với lối chơi quen thuộc cùng môi trường thi đấu Thai League đòi hỏi bất cứ cầu thủ nào không chỉ có ưu thế thể hình mà còn phải mạnh ở khả năng tranh chấp và lối chơi quyết liệt.
Buriram United cần thứ mà Xuân Trường không có, hay nói cho chính xác là ít, vậy thì việc nhà vô địch Thai League tiếp tục đầu tư, tìm kiếm những nhân tố mới và bỏ qua các cầu thủ không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn như Xuân Trường cũng là điều hết sức bình thường trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Từ câu chuyện của Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Lâm có thể thấy điểm chung giữa họ là sự khó khăn trong việc thích nghi và thể hiện mình ở môi trường thi đấu mới ngoài Việt Nam, cho dù đó là K-League hay Thai League. Trên bình diện đội tuyển quốc gia, từ cấp độ U23 đến đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam đã thắng thế trước Thái Lan suốt 2 năm qua nhưng ở bình diện CLB, chất lượng, tính cạnh tranh của giải đấu quốc nội, Thai League đâu có kém V-League, thậm chí, nếu so về sân bãi hay tính chuyên nghiệp, thậm chí người Thái còn nhỉnh hơn.
Vậy nên chuyện Lâm, Trường, Phượng chật vật tìm chỗ đứng, khẳng định được giá trị bản thân đâu có gì phải ồn ào, cho dù tại Việt Nam, họ vẫn đang là ngôi sao với mác tuyển thủ quốc gia. Công Phượng hay Xuân Trường đang thi đấu dưới dạng hợp đồng cho mượn, Văn Lâm thì đang trải qua năm đầu tiên trong bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với Muangthong United nhưng cũng chớ nên chủ quan đánh giá sự thành công hay thất bại của họ ở nước ngoài.
Nói như HLV lão làng Lê Thụy Hải, dù có thành công hay không thành công thì sau này, bài học từ những chuyến xuất ngoại của Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng cũng rất đáng quý cho các thế hệ cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam.
LÂM CHI