Đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã có 20 năm theo đuổi mục tiêu chuyên nghiệp nhưng dường như con số này không phản ánh điều gì. Giải đấu số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia đang đi xuống theo biểu đồ hình sin và theo các chuyên gia thì V-League vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn, vẫn còn tồn tại những việc làm rất nghiệp dư.
Thật ngạc nhiên khi các đội tuyển trẻ giành thành tích cao tại các giải châu lục và thế giới, khán giả háo hức xem đội tuyển quốc gia thi đấu thì các trận đấu bóng đá quốc nội lại lèo tèo khán giả. Những “cú hích” từ đội quân của ông Park Hang-seo trong vài năm gần đây đã không làm cho tình yêu của giới hâm mộ tăng thêm. Mô hình các giải trẻ - Hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp - Các đội tuyển quốc gia đã có vấn đề ở giữa - đó là Hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp.
Nếu không lục tìm trên mạng, chắc ít người biết rằng các đội bóng vẫn thi đấu trên sân cỏ cả nước vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Thói quen tới sân xem bóng đá của đội tuyển địa phương tranh tài đang mất dần.
Sự tự hào, thậm chí cay cú tới mức các khán đài luôn nóng cả trước, trong và sau trận đấu, đã phai nhạt. Khó ai có thể quên những trận đấu nảy lửa giữa Thể Công với Công an Hà Nội, giữa Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, giữa Hải Quan với Cảng Sài Gòn vào những thập niên trước đây.
Chất lượng trận đấu thấp, năng lực trọng tài yếu, bạo lực sân cỏ còn tồn tại, tìm kiếm tài trợ khó khăn hơn, khán giả không quan tâm tới thì CLB khó khăn về tài chính là chuyện đương nhiên. Cứ như đội bóng Thanh Hóa chẳng hạn, khi FLC không còn tài trợ thì các cầu thủ tài năng ra đi tìm đội bóng mới. Hệ quả là Thanh Hóa cứ mãi lận đận ở cuối bảng.
Cả một khu vực như miền Tây Nam bộ cũng đã không còn đội bóng nào thi đấu ở V-League, đủ để cho thấy “sức mạnh” của đồng tiền như thế nào. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, vì sao lại luôn đúng trong địa hạt bóng đá?
Vẫn biết bóng đá là một loại hình giải trí, các ông bầu có thể tìm kiếm lợi nhuận từ đây, quảng bá hình ảnh của DN cũng từ đây, nhưng cách thức tổ chức trận đấu rất nghiệp dư.
Hiện tượng các CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 vừa qua là một ví dụ. Một sự việc diễn ra không mới, trong nhiều năm, vi phạm an toàn xã hội, vi phạm luật lệ thi đấu, BTC giải đã cảnh báo, đã phạt tiền nhiều lần nhưng không có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Sau khi sự việc xảy ra thì viện đủ lý do để biện minh.
Người viết từng được xem một trận đấu ở Anh trên sân đội Southampton, mà chỉ là Cúp FA thôi, giải có tính chuyên môn thấp hơn giải Ngoại hạng Anh, nhưng cách tổ chức trận đấu của họ thật chuyên nghiệp. Ví dụ, đội khách chỉ được vào một khán đài, trước cổng vào có cảnh sát, nhân viên an ninh kiểm tra thân thể (kể cả nữ CĐV).
Đáng chú nhất chính là cách để các CĐV không “gặp nhau” sau trận đấu, đó là một “bức tường” di động bằng vật liệu nhẹ cao 2,5m đã được dựng lên để hướng CĐV đội khách ra về theo một hướng có chủ đích, dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát và an ninh.
Đừng để những vụ việc gây mất an toàn cho khán giả, “mất bò mới lo làm chuồng”, đừng để những câu nói “giá mà…” khi vụ việc chẳng mong muốn xảy ra thì V-League cần phải chuyên nghiệp hơn nữa, kể từ việc nhỏ nhất.
ĐỖ HẢI ÂU