Khó lường trận chung kết lượt về AFF Cup 2018!

Thứ Tư, 12/12/2018, 14:53 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn 1 trận đấu nữa là kết thúc hành trình AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam, hoặc với một chiếc cúp chúng ta đã chờ đợi suốt 10 năm, hoặc sẽ lại trắng tay và đóng lại năm 2018 với những hành trình dang dở trên đường đến đích. 

Tiền đạo Hà Đức Chinh (13) bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil.
Tiền đạo Hà Đức Chinh (13) bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil.

Điều gì sẽ xảy ra ở trận lượt về? Liệu chúng ta có kiểm soát được thế trận hay không? Liệu những sức ép sân nhà, được cho là còn lớn hơn cả trận lượt đi trên sân Bukit Jalil, có thể ảnh hưởng tiêu cực lên đội tuyển không?

Hy vọng là không. Hy vọng là tốt lành. Bởi khác với trận chung kết thua Malaysia ở SEA Games 2009 trên đất Lào, chúng ta vẫn rộng cửa vô địch và vẫn có 1 trận lượt về để sửa chữa những sai lầm đã có và tận dụng tốt cơ hội đá sân nhà. Khác với trận bán kết 2014 thua Malaysia ngay trên sân Mỹ Đình, chúng ta có một đội ngũ mạnh hơn rất nhiều đội tuyển của HLV Miura ngày ấy trên nhiều khía cạnh, nhất là khả năng kiểm soát thế trận. Bởi một HLV đề cao tính an toàn như Park Hang-seo luôn biết cách làm gì với những quân bài ông đang có trong tay và có thể hiểu được đội tuyển đang có những vấn đề gì, ở đâu để điều chỉnh. Chính những điều chỉnh ấy, cùng với khả năng đọc trận đấu, thay người cùng công tác tâm lý, sẽ tạo cơ sở cho chiến thắng.

Rất nhiều người đã tỏ ra tiếc nuối sau những cơ hội chúng ta đã bỏ lỡ ở Bukit Jalil. Các cầu thủ cũng đã vứt đi trước mũi giày những cơ hội như thế ở trận bán kết lượt đi trên sân Philippines. Nhưng ý nghĩa của những pha bỏ lỡ ấy rất khác nhau, dù cũng là lượt đi. Tại Bacolod, đấy là những phút cuối và các pha hỏng ăn của Đức Chinh và Công Phượng không giúp gia tăng cách biệt để lượt về ta đá dễ dàng hơn, khi chiến thắng đã trong tầm tay.

Nhưng ở Kuala Lumpur, những tình huống đáng tiếc ấy đã khiến chúng ta trả giá, bằng việc chỉ có thể rời sân với một tỷ số hòa. Đương nhiên, ghi tới 2 bàn trên sân khách là một lợi thế không hề nhỏ, nhưng việc bỏ lỡ những cơ hội để gia tăng cách biệt và rồi để đối phương lần lượt ghi bàn gỡ hòa, trước khi ép chúng ta vào một thế trận nghẹt thở đến những giây cuối cùng, là rất đáng tiếc. Những ưu điểm rất dễ nhận ra, từ cách chúng ta tổ chức phòng ngự bóng sống cho đến đỉnh cao của phản công, với 2 cú sút chính xác đầu tiên thành 2 bàn thắng từ 2 tiền vệ trung tâm. Nhưng những khuyết điểm càng ngày càng lộ ra rõ hơn, từ 2 trận bán kết và giờ bị khai thác một cách triệt để ở trận chung kết lượt đi.

Đấy là phòng ngự bóng cố định không tốt. 3/4 bàn thua của đội tuyển trong 3 trận đấu vòng knock-out là từ các pha bóng cố định, cho thấy khả năng phối hợp và sự tập trung của các cầu thủ trong những tình huống như thế rất “có vấn đề”. Thêm một điều nữa, thể lực của các cầu thủ ở nửa cuối hiệp 2 đã cạn. 2 trận đấu bán kết với một Philippines luôn đẩy Việt Nam vào những cuộc chiến phá sức đã bào mòn sức lực các tuyển thủ. Trận đấu với Malaysia cũng là một cuộc chiến nữa và sự xuống sức, thậm chí bị nát lối chơi ở giữa hiệp 2 không có gì quá khó hiểu.

Hoà 2-2, xét cho cùng, vẫn là một tỷ số đẹp, mở ra một trận lượt về khó khăn nữa vì những tiếc nuối bỏ lỡ chiến thắng. Sự tiếc nuối ấy thực ra lại có ý nghĩa tốt, như là một cách để cảnh báo về những điều lớn lao có thể mất đi nếu không biết gìn giữ và bảo vệ các lợi thế đã có được. Nhưng xa hơn nữa, nó cũng nhắc nhở rằng, trong những trận đấu đỉnh cao như thế, thì ngay cả việc đã có được lợi thế nhất định cũng không có gì đảm bảo cho chiến thắng ở lượt về. Bài học thua Malaysia 2-4 ở Mỹ Đình sau khi đã hạ họ 2-1 ở Bukit Jalil cách đây 4 năm vẫn còn chưa ai quên.

THƯ KỲ

;
.