Pep Guardiola có thủy chung với Etihad?
Với những quả ngọt đã hái được dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, Man City dĩ nhiên muốn giữ chân chiến lược gia người Tây Ban Nha càng lâu càng tốt. Thế nhưng, mọi chuyện không hề đơn giản như The Citizens tưởng tượng.
Năm 2008, Guardiola thay thế Frank Rijkaard làm HLV trưởng Barcelona. Cũng kể từ đây, một trang sử hào hùng được viết nên khi ông biến gã khổng lồ xứ Catalan thành một cỗ máy chiến thắng với lối chơi tiqui-taca huyền ảo. Những danh hiệu cứ thế lũ lượt tìm đến để rồi cái tên Pep Guardiola vang danh thế giới. Thế nhưng, khi đang đứng ở đỉnh cao với một đội quân hùng mạnh, nhà cầm quân 47 tuổi lại bất ngờ quyết định dứt áo ra đi. Có rất nhiều đồn đoán được truyền thông đưa ra cho lý do Pep rời Nou Camp, từ việc không được ban lãnh đạo Barca tin tưởng rồi đến những bất đồng trong công tác chuyển nhượng.
Pep đang làm nên lịch sử ở Man City. |
Dù vậy, nguyên nhân sâu xa hóa ra lại nằm ở chính Guardiola, một con người luôn theo đuổi sự hoàn hảo một cách điên dại. Sau 4 mùa bóng thành công rực rỡ cũng như lao động với cường độ cao nhất, Pep cảm thấy đã khô cạn cảm hứng tại Barca. Tất cả những gì tinh túy nhất đều đã được ông truyền dạy hết cho các học trò và khi cảm hứng không còn, Guardiola quyết định tìm thử thách mới. Thủ thành Victor Valdes - một trong những công thần của Barca thổ lộ: “Pep đã trở nên rất căng thẳng. Ông ấy bị áp lực bởi những thứ mà trước đây ông ấy chẳng bao giờ thèm bận tâm”. Tiền vệ Sergio Busquets thì cho biết: “Khi bạn làm việc với cùng đội ngũ huấn luyện trong một thời gian dài, mối quan hệ sẽ thay đổi. Rất khó để duy trì sự nhiệt huyết và giành chiến thắng”.
Rõ ràng, câu chuyện giữa Pep - Barca mang đến bài học xương máu cho Man City. Hiện tại, Guardiola đang sống trong những ngày tươi đẹp nhất. Với khối óc thiên tài của mình, ông đã biến The Citizens trở thành một thế lực khó lòng ngăn cản ở Ngoại hạng Anh giống Barca tại La Liga năm xưa. Dĩ nhiên, mỗi thời mỗi khác và sẽ là khập khiễng nếu ví Man City như Barca. Thế nhưng, có một điểm chung dễ nhận thấy khi Guardiola đang truyền cho các học trò nguồn cảm hứng bất tận. Nửa xanh thành Manchester giờ là một tập thể đoàn kết, xuất sắc ở từng vị trí và quan trọng hơn cả là ai nấy đều đá hết mình vì ông thầy.
Sau mùa giải đầu tiên làm quen với môi trường bóng đá mới, Man City của Pep đã vào guồng để nhanh chóng thu về các danh hiệu. Cú đúp danh hiệu (Ngoại hạng Anh, Cúp Liên Đoàn) mùa trước mới chỉ là điểm khởi đầu cho sự thống trị của The Citizens dưới triều đại Guardiola. Với những gì đang trình diễn mùa này, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Man City bảo vệ thành công chức vô địch Premier League. Tuy nhiên, hãy nhớ lại lời của Valdes và Busquets. Sẽ chẳng có sự nhiệt huyết hay niềm cảm hứng nào kéo dài mãi mãi, cho dù người đó có là Guardiola thiên tài. Thêm nữa, giới chủ Ả Rập đưa Guardiola về Etihad đâu phải chỉ để chinh phục sân chơi quốc nội. Tham vọng của họ là đấu trường danh giá Champions League - nơi Man City chưa thể một lần đặt chân vào trận chung kết chứ đừng nói gì đến chức vô địch. Khi mục tiêu không đạt được, những áp lực đổ dồn lên vai Pep sẽ ngày một lớn hơn và mâu thuẫn cũng từ đó mà phát sinh.
Thời dẫn dắt Bayern Munich, Guardiola đã trải qua tình cảnh tương tự. Hùm xám khi ấy làm mưa làm gió tại Đức, song sau 3 mùa giải không thể giúp CLB trở lại đỉnh cao châu Âu như Jupp Heynckes, Guardiola dần lâm vào bế tắc. Ông yêu cầu ban lãnh đạo Bayern vung tiền chiêu mộ thêm tân binh (cụ thể là Luis Suarez và Neymar) nhưng không nhận được cái gật đầu. Sóng ngầm cứ thể nổi lên và chẳng bao lâu sau Guardiola rời Allianz Arena.
Man City từng tuyên bố họ muốn Guardiola ở lại thật lâu để giúp CLB phát triển dài hạn thay vì chỉ đến rồi đi như một cơn gió thoảng qua. Thế nhưng, cần nhớ rằng giờ chúng ta đang sống trong thời đại bóng đá kim tiền - nơi các danh hiệu quyết định đến sự tồn vong của các HLV. Guardiola vẫn đang thành công với Man City song sẽ thật khó để tìm thấy một Alex Ferguson hay Arsene Wenger phiên bản 2.
THƯ KỲ