.

Công thức chiến thắng cho U23 Việt Nam

Cập nhật: 17:55, 09/08/2018 (GMT+7)

Không có lý do gì để thay đổi công thức thành công nếu công thức ấy chưa tỏ ra lỗi thời hoặc bị hóa giải. Đó là lý do vì sao U23 Việt Nam hoàn toàn có thể dùng lại lối chơi từng giúp chúng ta làm nên địa chấn ở vòng chung kết U23 châu Á hồi đầu năm.

Các cầu thủ U23 Việt Nam mừng chiến thắng trước U23 Oman ở giải tứ hùng vừa diễn ra trên sân Mỹ Đình.
Các cầu thủ U23 Việt Nam mừng chiến thắng trước U23 Oman ở giải tứ hùng vừa diễn ra trên sân Mỹ Đình.

THỬ NGHIỆM CHỈ LÀ THỬ NGHIỆM

Chiến thắng không chỉ được quyết định bởi sự xuất sắc và hợp lý về chiến thuật đơn thuần vì chiến thuật nào cũng phải được xây dựng dựa trên phẩm chất của những cầu thủ vận hành nó, nhưng không có đội bóng nào chiến thắng mà lại sai lầm về chiến thuật. Ở giải tứ hùng vừa kết thúc, ông Park Hang-seo cho U23 Việt Nam đá với sơ đồ 4 hậu vệ nhưng đương nhiên chúng ta không thể mang thử nghiệm ấy vào ASIAD vì điểm yếu cố hữu của cầu thủ Việt Nam các thế hệ chứ không riêng gì đội U23+3 này là khả năng thích ứng nhanh với các tùy biến chiến thuật.

Hạn chế này bắt nguồn từ việc các cầu thủ vốn dĩ cảm nhận về chiến thuật rất kém và có xu hướng chơi bóng theo bản năng nên để làm quen với một sơ đồ nào đó thì các cầu thủ chúng ta luôn mất không ít thời gian mới có thể chơi tương đối nhuyễn được. Khi phải đột ngột đổi sơ đồ thì họ rất lúng túng, hay mắc lỗi do thời gian để làm quen với sơ đồ ấy còn quá ít. Như thế, sẽ không có gì bất ngờ nếu U23 Việt Nam tiếp tục chơi với sơ đồ 5 hậu vệ khi không có bóng và 3 hậu vệ khi có bóng ở ASIAD năm nay. Cụ thể hơn là sơ đồ 3-4-3 (khi cầm bóng) và 5-2-3 hoặc 5-4-1 khi không có bóng (tức là khi phòng ngự). Đây là những sơ đồ và biến thể đã được các cầu thủ chúng ta vận hành khá nhịp nhàng và mang lại thành công ngoài mong đợi ở vòng chung kết U23 châu Á.

SƠ ĐỒ 3-4-3 HỢP LÝ HƠN 3-5-2?

Bình thường thì sơ đồ 3-5-2 khi tấn/phản công và 5-3-2 hoặc 5-5-0 khi phòng ngự được nhiều đội bóng châu Âu vận hành rất uyển chuyển và thành công. Nhưng nó không phù hợp với đội U23 Việt Nam bằng sơ đồ 3-4-3. Lý do đơn giản vì nếu chơi 3-4-3 thì U23 Việt Nam không chỉ tận dụng được phẩm chất tấn công tuyệt vời của cặp Văn Hậu - Văn Thanh mà sơ đồ này mang tới sự cân bằng tốt nhất cho đội bóng của ông Park Hang-seo. Như đã nói, khi phòng ngự, tùy theo đối thủ, chúng ta có thể dễ dàng, nhanh chóng chuyển thành 5-2-3 (nếu đối thủ không quá mạnh tới mức vượt trội) hoặc 5-4-1 (nếu đối thủ có sức tấn công đáng sợ). Mặt khác, khi có bóng U23 Việt Nam có khả năng phản công đạt hiệu quả cao hơn với sơ đồ 5-2-3 vì chúng ta không đến mức quá thiếu người ở tuyến trên vào thời điểm đoạt lại được bóng nên việc phối hợp và gây sức ép lên đối thủ có thể được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Trước nay chúng ta thường xuyên thấy các đội tuyển quốc gia của Việt Nam phản công kém, không chỉ do khả năng chuyển trạng thái chậm, mà còn do quá thiếu người ở phía trên để phối hợp nhanh, dẫn đến việc cầu thủ có bóng thường phải tự mình dẫn lên, hoặc lại chuyền ngang hay chuyền về, khiến thời cơ qua đi vì do mất yếu tố bất ngờ. Giống như thủ môn Đặng Văn Lâm, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều trường hợp bị loại đáng tiếc trước thềm những giải đấu lớn. Với sơ đồ 5-2-3 chúng ta vẫn có 5 hậu vệ khi phòng ngự (đảm bảo sự an toàn ở mức tương đối) mà vẫn có 3 cầu thủ tấn công phía trên (mang đến nhiều cơ hội ghi bàn hơn khi chúng ta đoạt bóng phản công).

Trong khi đó nếu dùng sơ đồ 5-3-2, dù U23 Việt Nam có đá nhuyễn với sơ đồ này thì chúng ta vẫn có ít hơn một người trên hàng công so với sơ đồ 5-2-3 nên hiệu quả phản công sẽ khó cao bằng, khi một chuyên gia chuyền bóng tầm trung và chuyền dài rất tốt là Xuân Trường sẽ có ít lựa chọn hơn ở phía trước, để phát huy phẩm chất sở trường của mình một khi nên U23 Việt Nam phản công nhanh.

THƯ KỲ

.
.
.