Olympic Việt Nam dự ASIAD 2018: Khó lập kỳ tích Thường Châu!
Rơi vào bảng đấu với sự góp mặt của Olympic Pakistan, Nepal, Nhật Bản và đặc biệt là kỳ tích mang tên Thường Châu khiến kỳ vọng lớn của người hâm mộ đặt lên vai U23 Việt Nam tại Đại hội thể thao châu Á-ASIAD diễn ra vào tháng 8 tới tại Indonesia là điều dễ hiểu. Nhưng sân chơi Á vận hội chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả vào lúc này với thầy trò ông Park Hang Seo.
Sau thành công ở VCK U23 châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục đối mặt với thử thách ở ASIAD 2018 vào tháng 8 tới đây. |
U23 Việt Nam đang là đương kim á quân châu lục và những gương mặt đã làm nên cơn đại địa chấn ở Thường Châu, Trung Quốc vào tháng 1-2018 như: Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng, Thành Chung, Văn Hậu… vẫn là nòng cốt cho đội tuyển Olympic quốc gia tham dự ASIAD 2018. Đó còn là chưa kể đến việc, mỗi đội tuyển được bổ sung thêm 3 cầu thủ trên 23 tuổi, HLV Park Hang Seo đã chọn Đặng Văn Lâm, Văn Quyết, Hùng Dũng vào đội hình, chắc chắn sẽ tăng cường thêm niềm tin lẫn sức mạnh cho U23 Việt Nam vào tháng 8 tới tại xứ vạn đảo. Đấy là những lý do có thật để người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng thêm một kỳ tích mới của các cầu thủ trẻ.
Nhưng bóng đá chưa bao giờ là phép cộng số học đơn thuần. Môn bóng đá nam trong khuôn khổ ASIAD có mặt ngay từ kỳ Đại hội đầu tiên, tại Ấn Độ năm 1951 và luôn là tấm HCV danh giá nhất, đáng mơ ước nhất của các quốc gia tham dự qua 17 kỳ Á vận hội đã được tổ chức. Giống như Thế vận hội mùa Hè, từ năm 2002, công thức U23+3 đã được Liên đoàn Bóng đá châu Á áp dụng vào ASIAD, tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách các đội bóng đã bước lên ngôi vô địch, thì cũng dễ dàng nhận ra bức tranh của bóng đá châu lục nghiêng về 2 cái tên áp đảo đó là Hàn Quốc và Iran, cùng 4 lần vô địch. Năm nay, đương kim vô địch Hàn Quốc thậm chí còn mang 2 cầu thủ đã dự World Cup trên đất Nga vừa qua đến Indonesia vào tháng 8 này, để bảo vệ ngôi vương mà họ đang nắm giữ. Thêm nữa, việc gắn môn bóng đá với từng đoàn thể thao Quốc gia nên môn bóng đá nam ở ASIAD khác với giải vô địch U23 châu Á vì có số lượng đội bóng tham dự rất đông (do không phải thi đấu vòng loại). Ở ASIAD 2018 này có đến 26 đội bóng đá nam tham dự được chia vào 6 bảng, trong khi VCK giải U23 châu Á hồi đầu năm nay chỉ gồm 16 đội chia thành 4 bảng, nên đường đi tới chức vô địch của đội tuyển nào lọt tới trận chung kết cũng dài ra đáng kể.
2 kỳ Đại hội kế tiếp, Olympic Việt Nam liên tiếp vào đến vòng 16, đặc biệt là tại Incheon, Hàn Quốc 2014, dưới sự dẫn dắt của ông thầy Nhật Bản Muira, Olympic Việt Nam lần đầu thắng cả 2 trận ở vòng bảng trước Iran 4-1 và Kyrgyzstan 1-0, các cầu thủ trẻ của chúng ta chỉ phải dừng bước trước UAE ở vòng knock-out sau đó. Nhưng tỉnh táo nhìn nhận lại, ngay cả khi tự hào với lứa cầu thủ tài năng với kỳ tích mang tên Thường Châu hồi đầu năm ở VCK U23 châu Á thì ASIAD vẫn cứ là sân chơi quá tầm với nền bóng đá chúng ta. Việt Nam bắt đầu tham dự từ năm 1998 khi Á vận hội diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, nhưng ngôi á quân Tiger Cup còn nóng hổi trước đó cũng không giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng khi thua trắng cả Hàn Quốc lẫn Turkmenistan. 4 năm sau ở Busan, Hàn Quốc đội tuyển Olympic cũng ôm kết quả tương tự mặc cho có trận hòa trước Olimpic UAE 2-2.
Vậy mục tiêu của Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 này là gì? Tái lặp thành tích vào đến vòng 16 đội? Điều ấy là hoàn toàn có thể, nếu nhìn vào kết quả bốc thăm của bảng D. Chỉ có Olympic Nhật Bản là quá mạnh, nhưng với Pakistan và Nepal thì học trò của ông Park Hang Seo chơi tốt! Tuy nhiên, với ngôi á quân châu lục, rõ ràng người hâm mộ muốn Olympic Việt Nam phải tiến xa hơn thế, chỉ có điều tiến đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bởi ngay đến cả ông thầy người Hàn Quốc Park Hang Seo, kiến trúc sư kỳ tích Thường Châu ngày nào, trước báo giới cũng chỉ dám đề cập đến mục tiêu lọt qua vòng bảng.
THƯ KỲ