Đội tuyển Anh và nỗi khổ của Southgate
Đâu là triết lý của Zinedine Zidane - HLV đang giữ ngôi vô địch Champions League liên tiếp trong 2 mùa bóng gần đây? Hoặc Ernesto Valverde - ứng cử viên vô địch số 1 ở Champions League mùa này, chưa kể danh hiệu vô địch La Liga đã gần như nắm chắc trong tay? Hoặc Jupp Heynckes - chiến thuật gia kỳ cựu chuẩn bị cùng Bayern Munich đăng quang Bundesliga?
HLV Southgate. |
Hình như không có. Và đấy là tình trạng khác hẳn với các đội mạnh ở Premier League, nơi mà người ta cho là đang quy tụ hầu hết những nhà cầm quân nổi tiếng nhất trong bóng đá đỉnh cao. Ở Premier League, người ta phân biệt Chelsea với Liverpool, M.U với Man City, không phải bằng thành tích trước mắt hoặc lực lượng ngôi sao.
Các đội này khác nhau chủ yếu ở nhà cầm quân, với những triết lý vô cùng rạch ròi. Pep Guardiola hoặc Jose Mourinho có những đặc trưng miễn bàn. Ngay cả Juergen Klopp ở Liverpool - đội chưa bao giờ lên ngôi trong kỷ nguyên Premier League cũng vậy. Với họ, triết lý lớn hơn, cao hơn, quan trọng hơn cả chiến thuật.
Với Klopp chẳng hạn. Ông nói huỵch toẹt: “Đội bóng của tôi có thể không mạnh hơn đối phương, không thành công bằng đối phương, nhưng dứt khoát phải chạy tốt hơn đối phương”. Chạy “tốt” không chỉ hàm nghĩa nhanh hoặc nhiều. Với Klopp, đấy là “lẽ sống”, trong bóng đá. Mọi yêu cầu của ông về tốc độ đều phải được thực thi trước tiên, rồi mới bàn đến cách chơi. Với Jose Mourinho, bóng đá trước tiên là hệ thống phòng thủ sao cho an toàn. Hoặc với Pep Guardiola thì thủ môn phải tham gia “chơi” bóng. Đấy là những ví dụ khác.
Và bây giờ, HLV Gareth Southgate phải ra sức lắp ráp sản phẩm từ những triết lý hoàn toàn khác biệt như thế vào một tập thể mang danh đội tuyển Anh, hướng đến World Cup 2018. Ông đang có một nỗi khổ mà các đồng nghiệp ở Đức, Tây Ban Nha, nói chung là hầu hết các đội mạnh khác, đều không gặp phải?
Trước trận giao hữu với Hà Lan, giới quan sát bàn về lựa chọn khó khăn của Southgate ở các vị trí thủ môn, trung vệ, trung phong, hoặc vai trò thủ quân. Ngần ấy vấn đề vốn đã đủ rắc rối rồi. Khó hơn một tí là cách chơi xuyên suốt, sẽ dùng từ nay đến World Cup 2018. Phòng thủ với 3 hay 4 hậu vệ? Đấy chỉ là một trong nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Chơi như thế nào, dĩ nhiên còn tùy vào cách chơi quen thuộc của các tuyển thủ ở CLB của họ - mà trong khoảng 1 năm nay thì “3 hậu vệ” là mốt phổ biến. Nhưng rồi, rắc rối lớn nhất vẫn là “triết lý”. Nó cao hơn cả chiến thuật, như đã nói.
Trong tay Mourinho thì chẳng bao giờ Jesse Lingard hoặc Marcus Rashford được đảm bảo luôn có mặt trong đội hình chính. Mà, kể cả khi đá chính, họ cũng không có “công việc ổn định”. Đấy là bởi Mourinho có nguyên tắc rõ ràng: chơi như thế nào, trước tiên tùy vào đối thủ (đây chính là một trong những khác biệt căn bản giữa M.U của Mourinho với các đội mạnh còn lại ở Premier League). M.U thậm chí còn chơi khác nhau trong từng giai đoạn của trận đấu cụ thể, tùy theo tỷ số hoặc thế trận. Chỉ có một điều tương đối ổn định: trong mọi hoàn cảnh, Mourinho không muốn cầu thủ giữ bóng một cách “thừa thãi”. Vào đội tuyển Anh, Lingard hoặc Rashford sẽ như thế nào, nếu Southgate có quan điểm khác?
Dĩ nhiên, Southgate phải khác. Vả lại, Premier League đâu chỉ có M.U của Mourinho. Vậy nên, đây là cơ hội hiếm hoi để Southgate thử nghiệm, truyền đạt, nói chung là thể hiện “cái khác”. Thử nghiệm, tất phải chấp nhận nguy cơ “hỏng hóc” cao. Và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ kéo theo áp lực. Giới quan sát sẽ nhìn vào đấy, sẽ so sánh với cách chơi ở CLB và bàn theo nhãn quan của riêng họ. Tha hồ, bởi đội tuyển Anh của Southgate sẽ chơi như thế nào, thì đấy lại là điều mờ nhạt, chưa thể hình dung trong lúc này. Southgate... rõ khổ!
KINH THI