.
BÓNG ĐÁ ĐÀ NẴNG:

THÀNH TÍCH TỶ LỆ NGHỊCH VỚI SỰ ĐẦU TƯ

Cập nhật: 08:49, 13/05/2004 (GMT+7)
Phút hội ý giữa cựu HLV Morton và tân HLV Philips

Trước ngày V-League 2004 khai mạc, Đà Nẵng đã có sự đầu tư thích đáng cho đội bóng với mục tiêu nhắm tới những thứ hạng cao trong giải. Ước mơ chinh phục đỉnh cao là điều đáng hoan nghênh. Nhưng từ ước mơ cho đến hiện thực là một chặng đường gian nan và là điều không hề đơn giản.

ĐI TÌM SỰ KHIẾM KHUYẾT

Giải thích về việc thành tích của Đà Nẵng tỷ lệ nghịch với sự đầu tư, Giám đốc kỹ thuật Lê Đình Chính cho rằng:"Việc thành bại của một CLB phụ thuộc vào sự hài hòa giữa các tuyến trên sân. Trong một loạt trận hòa và thua vừa qua, không may cho Đà Nẵng là khiếm khuyết hàng loạt vị trí trụ cột như cặp tiền đạo Huỳnh Đức- Nuro, cặp tiền vệ Thành Thông- Quốc Anh. Mất một lúc tới 4 trụ cột của đội hình chính thức thì đội nào cũng phải sa sút mà thôi. Việc thi đấu không thành công thường kéo theo nhiều suy nghĩ không sát thực với bản chất của vấn đề, nhưng đó là quyền của người hâm mộ. Trong bối cảnh mà lẽ ra các cầu thủ cần có được sự che chở, động viên từ khán giả thì họ lại phải hứng chịu sức ép tâm lý nặng hơn…".

Những lời trần tình của ông Lê Đình Chính chỉ mới nói lên được phần nào đó của chuỗi thành tích đáng buồn của Đà Nẵng. Đơn cử như lúc Nuro chưa bị chấn thương, anh rất ít khi chịu phối hợp với Lê Huỳnh Đức, mà chỉ nhăm nhăm đột phá bằng lối đá cá nhân từ trận này sang trận khác. Thay chỗ của Nuro, tiền đạo Morgan cũng không khá gì hơn. Ngoài hai cầu thủ này, người thứ ba thường sa đà vào lối đá cá nhân, ham thích biểu diễn kỹ thuật chính là tiền vệ Rogierio. Một đội bóng với thực lực không mạnh như Đà Nẵng, lại gặp phải những "họa sĩ" trên sân cỏ như vậy thì làm sao có được nhiều chiến thắng trong giải?

Đúng là Đà Nẵng có cặp trung phong Nuro- Huỳnh Đức khá lợi hại. Nhưng sự lợi hại cũng như hiệu suất ghi bàn của họ ít khi được phát huy tác dụng vì hàng tiền vệ quá kém. Ngoại trừ Giang Thành Thông có đôi chút kinh nghiệm trận mạc, những người còn lại như Quốc Anh, Rogierio và Hồng Minh ít khi tìm được tiếng nói chung trong việc chia lửa, san sẻ gánh nặng và "tiếp đạn" cho tuyến đầu một cách đúng nghĩa. Hàng phòng ngự ngoài Lê Quang Cường chơi ổn định, tiến bộ thì ba người còn lại là Hùng Dũng, Bình Minh, Anh Tài (hay Hải Thượng) luôn bộc lộ những điểm yếu chết người, đặc biệt là trung vệ Phạm Hùng Dũng.

SAI LẦM CỦA HLV MORTON

Khác với những ông thầy ngoại khác, HLV Morton luôn là nỗi sợ hãi của nhiều cầu thủ sau mỗi trận đấu. Trong khi nhiều HLV khác cho cầu thủ thả lỏng bằng các bài tập nhẹ, vận động với bóng để làm quen lại cảm giác bóng sau mỗi trận cầu căng thẳng thì ông Morton lại cho học trò "xơi" hoài "thực đơn" nhàm chán: chuyên sâu vào các bài tập sức bền thể lực, chạy tốc độ, thực hiện giáo án huấn luyện một bắt một rồi tiếp đó là…chia hai đội hình đấu đối kháng. Sự huấn luyện với giáo án đơn điệu ấy vừa không mang lại không khí lạc quan, hồi phục phong độ mà còn tăng thêm sự nhàm chán và rã rời về sức lực lẫn tư tưởng của cầu thủ, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Trên sân thi đấu, ông Morton luôn trung thành với trường phái bóng đá Anh là tấn công dọc biên và lật cánh vào trung lộ. Một lối đá hoàn toàn không phù hợp với nhiều cầu thủ Đà Nẵng vốn có chiều cao khiêm tốn, và không phải lúc nào cũng duy trì được sức mạnh hoàn toàn để chơi theo phong cách này. Một điểm yếu khác của ông Morton là việc "đọc" trận đấu chưa nhạy. Ở trận gặp Đồng Tháp, Hải Thượng  được xếp đá hậu vệ trái thay lão tướng Anh Tài. Chỉ mười phút sau khi vào trận, HLV Phạm Anh Tuấn đã phát hiện ra sự non kém kinh nghiệm trận mạc của Hải Thượng, chỉ đạo các học trò khoét sâu vào điểm yếu này, và họ đã thành công. Trong trận thua GĐT ở lượt về, nhận thấy Quang Cường hay nhô cao, bỏ trống hành lang bên phải, ông Calisto đã chỉ đạo Tài Em khoét sâu vào khoảng trống này đã tìm được bàn thắng…

Như Đan

.
.
.