Tổng thống Mỹ làm rõ mức thuế đối với hàng Trung Quốc là 145%
Nhà Trắng áp thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên 145%.
Chờ một thỏa thuận
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Nhà Trắng ngày 10/4 làm rõ rằng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được công bố trước đó một ngày là mức thuế bổ sung cho mức thuế 20% trước đó, cộng lại thành mức thuế khổng lồ 145% đối với đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp nội các ở Nhà Trắng ngày 10/4. |
Phát biểu tại cuộc họp Nội các ngày 10/4, Tổng thống Donald Trump cho biết chính quyền Mỹ chờ phản ứng của Trung Quốc và mong muốn đạt được một thỏa thuận.
Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng khi Mỹ đạt được thỏa thuận với các quốc gia, điều đó sẽ mang lại nhiều sự chắc chắn hơn về chính sách thương mại. Ông Bessent cũng khẳng định không thấy gì bất thường trên thị trường, ngay cả khi cổ phiếu Phố Wall đang tiếp tục giảm mạnh do chính sách thương mại của chính quyền Mỹ.
Một ngày trước đó, Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với nhiều quốc gia "không trả đũa" Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cho biết thuế đối với Trung Quốc sẽ tăng lên 125% và có hiệu lực ngay lập tức.
Sức ép lên các nước đang phát triển
Trước những diễn biến về chính sách thuế quan của Mỹ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ đặc biệt lo ngại về các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra, cho rằng những nước này sẽ hứng chịu tác động nghiêm trọng hơn.
![]() |
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ. |
Phát biểu trước báo giới, ông Guterres nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại cực kỳ tiêu cực, là cuộc chiến không có người thắng”.
Trên thực tế, một số ngành nghề ở nhiều nước đã cảm nhận được tác động từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ. Hiệp hội trồng cam quýt Nam Phi mới đây cảnh báo mức thuế quan mới mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với Nam Phi sẽ đe dọa 35.000 việc làm trong ngành trồng cam quýt của nước này.
Theo Tổ chức Cam quýt Thế giới, Nam Phi là nước xuất khẩu cam lớn thứ hai sau Tây Ban Nha và là nước xuất khẩu trái cây họ cam quýt lớn thứ 4 thế giới. Nam Phi cung cấp trái cây họ cam chanh cho thị trường Mỹ khi trái vụ tại đó. Quốc gia châu Phi này xuất khẩu khoảng 5-6% lượng cam quýt sang Mỹ, tương đương hơn 6,5 triệu thùng/năm, nhưng một số thị trấn nông thôn lại hướng đến và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường này.
Trong khi đó, ở Madagascar, một quan chức ngành dệt may cũng cảnh báo nước này có nguy cơ mất khoảng 60.000 việc làm trong ngành dệt may do mức thuế mới.
THẢO NGUYÊN