Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Các tổ chức tài chính và thương mại quốc tế đồng loạt cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của làn sóng bảo hộ thương mại mới, đặc biệt từ các chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
![]() |
Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. |
Theo thông tin từ New York Times, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến công bố dự báo kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn so với những dự báo trước đó. Các dự báo này sẽ phản ánh rõ nét tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định: “Các dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ bao gồm những điều chỉnh giảm đáng kể, nhưng chưa đến mức suy thoái. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng trong dự báo lạm phát đối với một số quốc gia”.
Bà Georgieva còn đưa ra lời cảnh báo về “cái giá” của chủ nghĩa bảo hộ: “Thương mại cũng giống như nước. Khi các quốc gia dựng lên những trở ngại dưới dạng hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dòng chảy sẽ chuyển hướng”. Theo bà, sự gián đoạn này sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nền kinh tế nhỏ và thị trường mới nổi.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đưa ra dự báo bi quan. Theo WTO, thương mại hàng hóa toàn cầu có thể giảm 0,2% trong năm nay và có nguy cơ sụt giảm sâu tới 1,5% nếu tình hình xấu đi. Đây là sự thay đổi đáng kể so với dự báo tăng trưởng tích cực mà tổ chức này đưa ra hồi đầu năm.
Một điểm đáng lo ngại là thương mại song phương Mỹ-Trung có thể sụt giảm tới 81% - gần như tương đương với việc tách rời hai nền kinh tế. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng mặc dù thương mại Mỹ-Trung chỉ chiếm khoảng 3% thương mại hàng hóa thế giới, nhưng việc tách rời hai nền kinh tế này “có thể gây ra những hậu quả sâu rộng” và “góp phần gây ra sự phân mảnh rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu”.
Các nhà lãnh đạo tài chính khác cũng bày tỏ lo ngại. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nhiệm vụ kép của Fed - tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả - giờ đây đã trở nên khó khăn hơn do tác động của các chính sách thuế quan. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất vào ngày 17/4, dẫn lý do “triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do căng thẳng thương mại gia tăng”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga kêu gọi các nước đang phát triển hạ thấp rào cản thương mại để tránh thuế quan cao hơn của Mỹ và duy trì các mối quan hệ thương mại khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán và đối thoại trong giai đoạn khó khăn này.
Trong kịch bản xấu nhất, WTO ước tính GDP toàn cầu có thể giảm gần 7% về lâu dài nếu xu hướng bảo hộ và phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng.
THẢO NGUYÊN