Đón đợi "sân khấu" thiên văn kỳ thú trong năm 2025
Các nhà khoa học dự báo năm 2025 sẽ là một sân khấu ngoạn mục, nơi thiên nhiên trình diễn những hiện tượng kỳ thú từ các hành tinh nhảy múa, siêu trăng sáng ngời đến cực quang rực rỡ và những dòng sao băng chói lòa.
Cụ thể, 6 hành tinh (trừ Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương) sẽ mở màn năm 2025 khi xếp thành một cung dài trên bầu trời ngay sau hoàng hôn ngay trong tháng 1. Tháng 2, Sao Thủy sẽ tham gia đội hình, tạo nên cảnh tượng hiếm có khi 7 hành tinh cùng xuất hiện trên bầu trời và dần khép lại khi mùa Xuân đến.
Ngày 14/3, nguyệt thực toàn phần sẽ khiến Mặt Trăng “hoàn toàn mất tích” trong hơn 1 tiếng, một cảnh tượng mà các khu vực Bắc và Nam Mỹ sẽ quan sát được trọn vẹn. 2 tuần sau, nhật thực một phần dự kiến sẽ làm mờ đi ánh sáng Mặt Trời tại bang Maine (Mỹ), Canada, đảo Greenland, châu Âu, khu vực Siberia và châu Phi.
Mùa Thu cũng không kém phần hấp dẫn khi nguyệt thực toàn phần kéo dài trong tháng 9 trên bầu trời châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại dương. Tiếp theo đó là sự kiện nhật thực một phần hiếm gặp gần Nam Cực.
Ba siêu trăng liên tiếp sẽ xuất hiện vào các tháng 10, 11 và 12. Đặc biệt, siêu trăng vào tháng 11 sẽ là thời điểm Mặt Trăng tiến gần Trái Đất nhất, chỉ cách 356.980km, khiến thiên thể này trở nên lớn và rực rỡ hơn bao giờ hết.
Những dòng ánh sáng lung linh của mưa sao băng Perseids vào tháng 8 và Geminids vào tháng 12 sẽ khiến bầu trời như khoác lên mình tấm áo lấp lánh. Bên cạnh đó, các trận mưa sao băng nhỏ hơn như Lyrids (tháng 4), Orionids (tháng 10) và Leonids (tháng 11) cũng tạo nên những bữa tiệc ánh sáng kỳ diệu.
Sau sự "thịnh nộ" của Mặt Trời vào năm ngoái, các nhà khoa học dự báo cực quang - ánh sáng Bắc cực và Nam cực - sẽ tiếp tục xuất hiện ngoạn mục trong năm 2025. Với việc Mặt Trời đạt đỉnh trong chu kỳ 11 năm của mình, những người yêu thiên văn học có thể nhìn thấy cực quang ngay cả ở những khu vực bất ngờ, mang đến trải nghiệm kỳ thú khó quên.
TỊNH LÂM