.

Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu năm 2025 đẩy giá dầu đi xuống

Cập nhật: 17:51, 23/12/2024 (GMT+7)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch sáng 23/12 do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu năm 2025, đặc biệt tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá xăng được niêm yết tại trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản.
Giá xăng được niêm yết tại trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản.

Mở cửa phiên giao dịch dầu tuần này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 31 xu Mỹ, tương đương 0,43%, xuống còn 72,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 26 xu Mỹ, tương đương 0,26%, xuống 69,12 USD/thùng.

Tập đoàn lọc dầu quốc doanh Trung Quốc, Sinopec, trong báo cáo triển vọng năng lượng hàng năm vừa công bố cuối tuần trước, dự đoán lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 do nhu cầu xăng và dầu diesel suy yếu.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 năm cũng tạo áp lực lên giá dầu, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất vào năm 2025. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà giao dịch sử dụng đồng tiền khác, trong khi tốc độ cắt giảm lãi suất chậm lại có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Ngân hàng J.P. Morgan dự báo thị trường dầu mỏ sẽ từ trạng thái cân bằng năm 2024 chuyển sang dư thừa 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, khi sản lượng dầu của OPEC và OPEC+, tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng của OPEC duy trì ở mức hiện tại.

Trong một động thái nhằm giảm nguồn cung, nhóm G7 đang xem xét cấm hoàn toàn hoặc hạ mức giá trần của dầu Nga.

THẢO NGUYÊN

 
.
.
.