Mexico phát triển nền tảng trực tuyến giám sát núi lửa
Ngày 17/6, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) tuyên bố đã xây dựng thành công trang web sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát cùng một thời điểm và theo thời gian thực 83 ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới.
Trang web mang tên “Monitoring Unrest from Space” (MOUNTS - Giám sát tình trạng bất ổn từ không gian) có địa chỉ tại http://www.mounts-project.com/home. Đây là sản phẩm do chuyên gia Sébastien Valade của Viện Địa vật lý (IGEF) thuộc UNAM phát triển. Hệ thống này cho phép thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu miễn phí do các vệ tinh Sentinel của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu cung cấp, từ đó tối ưu hóa quá trình giám sát và dự đoán hoạt động của những ngọn núi lửa trên thế giới.
Chuyên gia Valade cho biết, công tác theo dõi hoạt động núi lửa thường phụ thuộc vào mạng lưới giám sát của các trạm quan trắc địa chấn ở từng quốc gia. Tình trạng này đòi hỏi nhiều chi phí vận hành, cũng như đội ngũ chuyên gia để duy trì và triển khai hoạt động tại các cơ sở đó.
Tuy nhiên, sự ra đời của MOUNTS sẽ góp phần giải quyết mọi vấn đề nhờ khả năng xử lý, phân tích hình ảnh do các cảm biến trên vệ tinh di chuyển khắp hành tinh cung cấp, qua đó có thể đo được sự bất thường về nhiệt, những thay đổi địa hình trong các miệng núi lửa, so sánh chuỗi thời gian hoạt động, cơ chế phun trào hay lượng khí thải phát ra từ núi lửa…
THẢO VY