Nga tập trận hạt nhân chiến thuật để đáp trả phương Tây
Sau khi Nga thông báo sẽ tập trận dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật để “đáp trả đe dọa từ phương Tây”, Tổng thống Đức lẫn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và người phát ngôn Lầu Năm Góc đều đã lên tiếng phản ứng.
Nga có thể phóng hệ thống tên lửa Iskander-M trong cuộc tập trận. |
Viết trên mạng xã hội X vào 11 giờ 50 phút tối 6/5, theo giờ địa phương, Tổng thống Đức Olaf Scholz cho rằng: “Về cuộc tập trận hạt nhân do Nga công bố: Điều quan trọng là phải đảm bảo vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng trong cuộc chiến này (hàm ý xung đột ở Ukraine)”.
Về phía Mỹ, những tin tức về cuộc tập trận hạt nhân sắp tới của phía Nga đã vấp phải sự chỉ trích ở Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố: “Lời lẽ hùng biện của Nga - lời lẽ hùng biện về hạt nhân của họ - là liều lĩnh và vô trách nhiệm trong suốt cuộc xung đột này”.
Theo Newsweek, khi nói với các phóng viên hôm 6/5, ông Miller cho rằng việc Nga tổ chức tập trận hạt nhân cho thấy Mỹ “không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh vị thế hạt nhân của mình”.
Tuy nhiên, theo ông Miller, “không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.
Về phần mình, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Không quân Pat Ryder cũng chỉ trích tuyên bố tập trận hạt nhân của phía Nga, gọi đây là “một ví dụ về kiểu hùng biện vô trách nhiệm” đã thấy từ Nga trong quá khứ.
Tướng Ryder nhấn mạnh: “Điều đó hoàn toàn không phù hợp với tình hình an ninh hiện tại” và cho biết thêm rằng phía Mỹ chưa thấy bất cứ thay đổi nào về tư thế của lực lượng chiến lược Nga. Tuy nhiên, theo tướng Ryder, phía Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi.
Ngày 6/5, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ra thông cáo cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã lệnh cho Bộ tổng tham mưu quân đội Nga chuẩn bị tiến hành diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga có đoạn: “Các đơn vị tên lửa thuộc Quân khu miền Nam sẽ tiến hành diễn tập, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực chiến đấu của lực lượng hạt nhân phi chiến lược. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra trong tương lai gần, có sự tham gia của không quân và hải quân”.
Quân đội Nga khẳng định cuộc diễn tập nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời nói rằng đây là “biện pháp phản ứng với những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa nhằm vào Nga từ một số quan chức phương Tây”.
Bộ Ngoại giao Nga mô tả cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sắp tới là nỗ lực của Moskva nhằm “hạ nhiệt những cái đầu nóng” ở các nước phương Tây về việc đe dọa triển khai bộ binh tới Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO.
THẢO NGUYÊN