Nắng nóng ở châu Á sẽ kéo dài trong bao lâu?
Nắng nóng đã bao phủ phần lớn Nam Á và Đông Nam Á. Trong đó, những khu vực như Chauk của Myanmar và thủ đô Manila của Philippines đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày gần đây.
Người dân che dù tránh nắng nóng tại trên đường phố Bangkok, Thái Lan. |
Tại Thái Lan, giới chức đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng nắng nóng nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh đều dự đoán mức nhiệt cao vượt ngưỡng 40 độ C.
Ngay cả miền Bắc Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi sóng nhiêt. Nhiệt độ ở Sapporo của Nhật Bản vào tháng 4 đã vượt mốc 25 độ C.
Thông thường, những tháng trước mùa mưa hoặc gió mùa, khu vực châu Á thường hứng chịu nắng nóng, nhưng nhiệt độ năm 2024 vào thời điểm này lại cao hơn nhiều so với mức trung bình ở nhiều quốc gia.
Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới - cơ quan của LHQ, châu Á cũng đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.
Tiến sĩ Milton Speer, nhà khí tượng học và nhà nghiên cứu khách mời tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết hiện tượng El Nino đóng vai trò quan trọng gây ra đợt nắng nóng năm 2024.
“Việc thiếu mây khi El Nino xảy ra có nghĩa là nhiệt độ trung bình có thể sẽ cao hơn. Nhiệt độ bề mặt nước biển trong khu vực này hiện cao hơn vài độ C so với thông thường, khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình đất liền qua đêm. Vì vậy, nhiệt độ ban ngày cũng tăng từ mức cao hơn”, ông Speer giải thích.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác gây ra đợt nắng nóng bất thường này, bao gồm nạn phá rừng làm giảm bóng râm và tăng diện tích bề mặt khô, và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nơi các kết cấu bê tông, kính và thép hấp thụ thay vì phản xạ nhiệt.
Nắng nóng ở Bangladesh dự kiến sẽ không giảm sớm nhất cho đến ngày 2/5. Còn tại Thái Lan, các nhà khí tượng cảnh báo mùa mưa hàng năm có thể kéo đến vào cuối tháng 5, muộn hơn vài tuần so với thông thường. Điều đó lại gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với cây trồng và vật nuôi, cũng như những người lao động làm việc ngoài trời.
Nhiệt độ cao kỷ lục cũng ảnh hưởng mạnh đến trẻ em, người cao tuổi, những người có bệnh nền hoặc người khuyết tật đều có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn.
Những người sống trong cảnh nghèo khó cũng thiếu các giải pháp làm mát tại nhà hoặc buộc phải làm việc trong điều kiện không được bảo vệ đầy đủ trước nắng nóng.
Tháng này, Quỹ Nhi đồng LHQ Unicef cảnh báo 243 triệu trẻ em trên khắp Thái Bình Dương và Đông Á có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.
LAN ĐỨC