.

Armenia đẩy mạnh quan hệ với EU

Cập nhật: 19:00, 01/04/2024 (GMT+7)

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan tuyên bố quốc gia này không có kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan.
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan.

“Chúng tôi đã hợp tác với NATO, đang tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Afghanistan, tăng cường hiện diện ở Kosovo. Nhưng đây chỉ là một hình thức hợp tác. Còn về kế hoạch gia nhập NATO, chúng tôi chưa có kế hoạch gia nhập liên minh quân sự này. Hiện nay, vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự của Armenia”, ông Mirzoyan khẳng định trong cuộc phỏng vấn với trang tin Todos Noticias.

Về phía châu Âu, dẫn bài phát biểu gần đây của Thủ tướng Nikol Pashinyan tại Nghị viện châu Âu, Ngoại trưởng Mirzoyan nói Armenia hướng tới châu Âu. Ông Pashinyan nói rằng Armenia sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và khối này cũng có mong muốn thực hiện điều tương tự với Armenia.

Tuyên bố của nhà ngoại giao Armenia được đưa ra sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva lo ngại về cuộc gặp Armenia - EU - Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 5/4.

Armenia là đồng minh thân cận của Nga trong khối Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Armenia đã trở nên xấu đi trong thời gian qua.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Pashinyan nói rằng Armenia ngày càng không hài lòng với CSTO, khối liên minh an ninh gồm 6 thành viên được thành lập sau khi Liên Xô tan rã. Ông cho hay nước này sẽ rời khỏi CSTO do Moskva lãnh đạo trừ khi tổ chức này nêu chi tiết cam kết nhằm duy trì an ninh của Armenia.

Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moskva chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Nga không phản đối quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc xác định chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích quốc gia của họ, nhưng cho biết hành vi của Armenia là không phù hợp.

LAN ĐỨC

 

.
.
.