Thủ tướng Mostafa Madbouly ngày 31/3 tuyên bố rằng, Ai Cập sẽ nhận được đợt giải ngân đầu tiên của chương trình cho vay mở rộng trị giá 8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngũ cốc được bày bán tại khu chợ ở Cairo, Ai Cập. |
Phát biểu tại một khu công nghiệp gần thủ đô Cairo, ông Madbouly nói thêm rằng, Ai Cập đang nỗ lực tăng nguồn thu USD, bằng cách hỗ trợ công nghiệp và xuất khẩu.
Trước đó, IMF đã phê duyệt một thỏa thuận Quỹ mở rộng (EFF) trị giá 3 tỷ USD, thời hạn 46 tháng cho Ai Cập vào cuối năm 2022, nhằm hỗ trợ cải cách kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, lần xem xét thứ nhất và thứ hai của IMF đã bị trì hoãn.
Ngày 29/3, IMF cho biết, Ban điều hành của tổ chức này đã hoàn thành đánh giá lần thứ nhất và thứ hai về thỏa thuận EFF trị giá 3 tỷ USD của Ai Cập và phê duyệt khoản tài trợ bổ sung 5 tỷ USD, đồng thời tiết lộ thêm rằng Chính phủ Ai Cập sẽ được giải ngân ngay lập tức 820 triệu USD.
Gần đây, Ai Cập đã chứng kiến một dòng tiền nước ngoài lớn đổ vào sau khi nước này ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 35 tỷ USD với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 2 vừa qua, để phát triển thành phố nghỉ dưỡng mới Ras Al-Hekma, trên bờ biển phía Bắc của nước này.
Đầu tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ cho Ai Cập vay hơn 6 tỷ USD “để hỗ trợ các nỗ lực cải cách và phát triển của Ai Cập”, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý sẽ cung cấp gói tài chính trị giá 7,4 tỷ euro (khoảng 8 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập.
Trong 2 năm qua, tình trạng thiếu USD ở Ai Cập đã dẫn đến sự mất giá của đồng nội tệ, đẩy Ai Cập vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất.
Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn do xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, với việc hai nguồn thu ngoại tệ chính là du lịch và doanh thu từ Kênh đào Suez sụt giảm nghiêm trọng.
Vào tháng 2/2024, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm ở thành thị của Ai Cập đã tăng lên 35,7%, vượt xa dự báo.
NGUYỄN TÙNG