.

Vụ thảm sát tại nhà tù nữ quốc gia PNFAS, Honduras - Kỳ 1: Băng nhóm nữ thống trị nhà tù

Cập nhật: 16:33, 29/09/2023 (GMT+7)

Ngày 20/6/2023, một vụ thảm sát đã xảy ra tại nhà tù dành riêng cho nữ giới (PNFAS) ở thị trấn Tamara, cách thủ đô Tegucigalpa, Honduras khoảng 40km. Ít nhất 46 nữ tù nhân thiệt mạng trong cuộc đọ súng giữa hai băng nhóm Barrio18 và MS13. Điều khiến dư luận phẫn nộ là sự bất lực của hệ thống an ninh nhà tù bởi lẽ trước đó, hồi tháng 5/2020, Barrio 18 đã dùng dao, rựa, chém chết 6 nữ tù nhân với cáo buộc là chỉ điểm cho MS13.

Một góc phòng giam ở Khu 1, nhà tù PNFAS trước ngày xảy ra vụ thảm sát.
Một góc phòng giam ở Khu 1, nhà tù PNFAS trước ngày xảy ra vụ thảm sát.

Chín giờ sáng ngày 23/6/2023, một màn khói dày đặc đột ngột bốc lên từ bên trong nhà tù dành riêng cho nữ giới (Penitenciaría Nacional Femenina de Adaptacion Social -  gọi tắt là PNFAS), che khuất tầm nhìn của cư dân thị trấn Tamara. Và trong khi chưa ai kịp hiểu ra chuyện gì thì nhiều tiếng súng vang lên cùng với những tiếng la hét.

Julissa, một tù nhân chứng kiến vụ bạo loạn kể lại với trang tin Latin America Today: “Chẳng biết bằng cách nào, nhiều phụ nữ thuộc băng nhóm Bario18 đã thoát ra khỏi buồng giam. Họ vũ trang bằng súng trường, súng ngắn, chất nổ, dao rựa. Họ bắt một số cảnh sát làm con tin rồi sau đó, tiến về Khu 1 là nơi giam giữ những nữ tù nhân thuộc băng nhóm MS13 nhưng cũng có cả những tù nhân vô can. Vụ thảm sát bắt đầu bằng mấy tấm nệm tẩm xăng cháy như cây đuốc, được Barrio18 ném vào rồi xả súng…”.

Một cách tuyệt vọng, nhiều nữ tù nhân cố gắng chạy trốn bằng cách trèo qua tường, hàng rào, leo lên mái nhà nhảy xuống nhưng chỉ vài người thoát chết. Một số khác chọn cách nằm sấp xuống sàn hoặc ngồi ôm chặt lấy nhau và tất cả đều bị bắn hoặc bị đốt cháy. Chỉ riêng phân khu 1, 27 nữ tù nhân thiệt mạng còn nếu tính cả trại tù thì con số là 46 người, trong đó 19 người được xác định là chẳng liên quan gì đến các băng nhóm.

Vài giờ sau vụ thảm sát, tin tức đã tràn ngập trên các tờ báo xuất bản tại Honduras rồi rất nhanh chóng, nó lan đi khắp thế giới. Bên ngoài nhà tù, hàng trăm người thân của các tù nhân tập trung thành từng nhóm, mong chờ tin tức về việc nhận dạng thi thể.

Adriana, nữ tù nhân bị thương ở chân vì bị chém bằng dao, đã cố lết ra ngoài rồi sau đó được đưa đến bệnh viện kể lại: “Trong nhà tù PNFAS, các băng nhóm thống trị tất cả. Phần lớn các vụ thanh toán lẫn nhau đều bị ban quản giáo làm ngơ. Trước đó, hồi tháng 5/2020, các thành viên Barrio18 đã dùng dao, rựa giết hại dã man 6 người với cáo buộc là chỉ điểm cho MS13. Khi ấy, mọi lời kêu cứu của chúng tôi với ông Giron, giám đốc nhà tù đều rơi vào im lặng”.

Ngay sau vụ thảm sát, ông Giron cùng toàn bộ lực lượng quản giáo, bảo vệ nhà tù PNFAS bị sa thải. Bộ trưởng An ninh Ricardo Sabillon cũng bị cách chức và Thứ trưởng An ninh Julissa Villanueva buộc phải từ chức Chủ tịch Ủy ban kiểm soát nhà tù. Thay vào đó, Tổng thống Xiomara Castro ký quyết định chuyển giao quyền kiểm soát PNFAS và tất cả các nhà tù trên khắp đất nước Honduras cho lực lượng cảnh sát quân sự, bất chấp hồ sơ cáo buộc quân đội đã vi phạm nhân quyền khi quản lý các cơ sở giam giữ này từ năm 2019 đến năm 2022.

Ngày 29/6/2023, lãnh đạo mới của PNFAS thuộc lực lượng Cảnh sát quân sự tuyên bố đã xác định được 12 nữ tù nhân là thủ phạm gây ra vụ thảm sát nhưng không tiết lộ danh tính. Trong thông cáo báo chí, Ủy ban kiểm soát nhà tù nhận trách nhiệm “đã để xảy ra việc đáng tiếc” nhưng lảng tránh nguyên nhân đồng thời cũng không giải thích vì sao các loại vũ khí sử dụng trong vụ thảm sát đã được đưa vào nhà tù trót lọt, hoặc làm cách nào mà các thành viên Barrio 18 lại dễ dàng thoát ra khỏi phòng giam của họ.

Theo tờ Contracorriente, xuất bản tại thủ đô Tegucigalpa, Honduras, họ có bằng chứng cho thấy Ban giám đốc nhà tù PNFAS đã nhận được những báo cáo tình báo về khả năng xảy ra một cuộc bạo loạn ở Phân khu 1. Marianna, một nữ tù nhân cho biết hầu hết tù nhân đều không bất ngờ với những gì đã diễn ra vì nhiều tháng trước đó, vài quản giáo đã nhận được những thông tin về sự gia tăng căng thẳng giữ Barrio-18 và MS-13.

Khói bốc lên từ nhà tù khi Barrio 18 đốt khu giam giữ nữ tù nhân MS 13.
Khói bốc lên từ nhà tù khi Barrio 18 đốt khu giam giữ nữ tù nhân MS 13.

Vẫn theo tờ Contracorriente, 3 tháng trước ngày xảy ra vụ thàm sát, Ủy ban Kiểm soát nhà tù đã chuyển tất cả các thành viên băng nhóm là nam giới từ nhà tù PNFAS sang một nhà tù khác. Ngoài ra ủy ban còn tiến hành xây dựng một nhà tù an ninh tối đa trên một hòn đảo ở ngoài khơi biển Caribe để các thành viên băng nhóm không thể liên lạc với nhau. Tuy nhiên, tất cả tù nhân nữ ở PNFAS lại bị gạt ra ngoài nên nơi đây trở thành nhà tù duy nhất trong cả nước dành cho phụ nữ.

Thành viên Barrio18 và MS13 vẫn sống chung cùng một chỗ, chỉ cách nhau một hàng rào mỏng manh ngăn chia hai khu. Adriana, nữ tù nhân bị chém bằng dao vào chân nói: “Khi bị bắt, trong hồ sơ của chúng tôi đều ghi rõ chúng tôi phạm tội gì, có liên quan đến băng nhóm hay không. Họ cũng biết rõ những người vào tù vì trộm cắp, bán lẻ ma túy, lừa đảo… nhưng không phải là thành viên băng nhóm. Lẽ ra, họ phải giam riêng những người này vì rằng khi đã bị giam chung với Barrio 18, đương nhiên MS 13 sẽ buộc tội họ là cảm tình viên hoặc chỉ điểm viên của Barrio18 và ngược lại”.

Với nữ tù nhân Marianna, cô bị bỏng 1/3 diện tích cơ thể khi những tù nhân thuộc băng nhóm Barrio18 tạt xăng vào phòng rồi sau đó châm lửa. Cô nói: “Phòng giam của chúng tôi có 12 người thì 4 người chết, số còn lại đều bị phỏng. Điều đau đớn là cả 4 người chết, không ai tham gia băng nhóm MS13. Họ chết là vì Barrio18 đã đánh đồng một mớ…”.

VŨ CAO
(Theo Latin America Today)

.
.
.