Người Nhật ứng xử với rác thải sinh hoạt
Qua Nhật Bản học tập và làm việc, được đi đây đó, có một điều làm tôi thắc mắc là vì sao nước họ lại sạch sẽ và không có rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi?
Các thùng rác kín làm bằng thép hoặc khu vực đổ rác được phủ lưới để tránh quạ, chuột phá hoại. |
Hiện nay, rác thải sinh hoạt đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh sự ô nhiễm môi trường và thiếu hụt tài nguyên ngày càng gia tăng. Nhiều nước đã có giải pháp đối xử với rác thải sinh hoạt một cách hiệu quả đáng chú ý như: Thụy Điển, Đức, Áo, Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với sự kỷ luật, người dân đã tận dụng tinh thần tự giác và khả năng sáng tạo để đối mặt với thách thức này một cách cực kỳ hiệu quả. Với mọi người Nhật, việc xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ là gom góp và vứt đi, mà còn là một quá trình được thực hiện một cách có hệ thống và cẩn thận.
Bảng hướng dẫn phân loại rác. |
Một trong những điểm ấn tượng nhất khi mới đặt chân đến đất nước này là cách mà người dân phân loại rác ngay từ nguồn. Trong mỗi gia đình người Nhật, luôn có 3 đến 5 chiếc thùng rác được đặt cạnh nhau. Mỗi thùng đại diện cho một loại rác như rác hữu cơ, nhựa, giấy, kim loại và thủy tinh. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, mà còn tạo ra cơ hội cho việc tái chế và tái sử dụng.
Đặc biệt, tất cả trẻ em Nhật đều được dạy từ nhỏ là nếu có rác trong tay, hãy mang về nhà. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta hầu như không bắt gặp một thùng rác công cộng nào ngoài đường.
Khu vực tập kết rác sát mặt đường được xây kiên cố để tránh gây ô nhiễm chung quanh. |
Ở mỗi khu dân cư, sẽ luôn có quy định phân loại rác và lịch trình thu gom rác riêng. Lấy ví dụ, ở khu nhà tôi đang sống, rác hữu cơ và rác cháy được (bao nilon, khay xốp, bao bì sản phẩm, giấy…) được thu gom vào thứ Ba và thứ Sáu. Chai lọ thủy tinh hoặc chai nhựa tái chế được lấy vào thứ Năm. Và thùng các tông, rác cỡ lớn (bàn ghế, thiết bị điện, tủ, chăn gối,...) là thứ Bảy hàng tuần.
Người Nhật dùng nhiều thùng rác để dễ dàng phân loại rác. |
Không chỉ dừng lại ở việc phân loại rác, người dân Nhật còn tận dụng tối đa tinh thần sáng tạo để tạo ra các giải pháp xử lý rác thải. Một ví dụ đáng chú ý là việc sử dụng rác thải hữu cơ để sản xuất phân bón tự nhiên, thay vì đổ vào bãi chôn lấp. Các hộ gia đình thường tự tạo ra các hộp phân hữu cơ từ rác thải và sau đó sử dụng chúng cho việc trồng cây và làm vườn. Điều này giúp tạo ra một chu kỳ tái sử dụng và giảm thiểu lượng rác thải cuối cùng.
Các khu nhà tập thể luôn có phòng để rác chung với nhiều ngăn. |
Không chỉ có tác động tích cực đối với môi trường, việc xử lý rác thải cũng đóng góp vào tinh thần cộng đồng. Trong nhiều khu vực ở Nhật Bản, người dân thường tham gia vào các hoạt động tình nguyện như việc dọn dẹp các khu vực công cộng hoặc sự kiện thu gom rác thải. Điều này thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường chung quanh.
Nhìn chung, người dân Nhật Bản luôn ý thức rác thải sinh hoạt là một dạng tài nguyên. Họ kết hợp hài hòa giữa tinh thần tự giác, sự sáng tạo và tính kỷ luật tạo nên một mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho môi trường và cuộc sống hàng ngày, đáng để học tập.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI