Nhật Bản chi hơn 470 tỷ USD ứng phó dịch COVID-19
Theo phân tích của hãng tin Kyodo, chi tiêu của Nhật Bản để hỗ trợ nền kinh tế giảm thiểu những cú sốc của đại dịch COVID-19 và ứng phó với lạm phát dự kiến tổng cộng khoảng 68.500 tỷ yen (471 tỷ USD) trong 4 năm tính đến tài khóa 2023.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19. |
Do phần lớn nguồn tiền đến từ việc phát hành nợ và mục tiêu khôi phục tài khóa của chính phủ đang bị lùi lại, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đối mặt với nhiệm vụ cấp bách là thực hiện cải cách chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phục hồi.
Dữ liệu của ủy ban chính sách tài khóa của chính phủ và các số liệu chính thức về quy mô chi tiêu cho thấy, chính phủ đã chi 28.000 tỷ yen trong tài khóa 2020, chi 15.400 tỷ yen trong tài khóa 2021 và 15.100 tỷ yen trong tài khóa 2022. Chi tiêu cho tài khóa 2023 (kết thúc cuối tháng 3/2024) hiện là 10.000 tỷ yen. Tổng chi tiêu hàng năm của Nhật Bản khoảng 130.000-150.000 tỷ yen trong 3 năm qua, với mức kỷ lục 114.380 tỷ yen được phân bổ trong tài khóa 2023.
Dù tình hình tài chính của Nhật Bản xấu nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, nước này đã tăng chi tiêu để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tình trạng giá cả tăng cao.
Các chương trình khẩn cấp được thực hiện trong những năm gần đây bao gồm: chương trình phát tiền mặt 100.000 yen cho mọi người dân, hỗ trợ tài chính cho các địa phương để tăng công suất giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 và chương trình hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Mặc dù mục tiêu của chính sách trên là đạt thặng dư trong cán cân cơ bản (thu nhập từ thuế trừ chi tiêu, không tính chi phí trả nợ) trước tài khóa 2025, nhưng mục tiêu này được cho là khó đạt được.
Cuối tháng 7 vừa qua, các thành viên khu vực tư nhân của Hội đồng Kinh tế và chính sách tài khóa đã trình dữ liệu về cán cân cơ bản cho thấy, “sức khỏe” tài chính của Nhật Bản đang xấu đi. Theo đó, tỷ lệ phần trăm cán cân cơ bản tính trên GDP giảm 1,7-5,2 điểm phần trăm trong giai đoạn 4 năm nói trên, so với kịch bản không có các chương trình chi tiêu bổ sung cho COVID-19 và các biện pháp giảm lạm phát. Nợ công dự kiến lên tới 1.100 tỷ yen trong tài khóa 2023, gần gấp đôi quy mô nền kinh tế.
Cải cách chi tiêu càng đóng vai trò quan trọng lớn hơn khi Nhật Bản dự kiến chi tổng cộng 43.000 tỷ yen để củng cố quốc phòng trong 5 năm tính đến tài khóa 2027 và tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em để đảo ngược đà giảm tỷ lệ sinh. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu chuyển từ chi tiêu ở chế độ khủng hoảng sang chế độ “thời bình” khi lập ngân sách cho tài khóa 2024.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ làm thế nào cắt giảm mạnh chi tiêu. Giới quan sát nhận định đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cùng với đảng đối tác Komeito trong liên minh cầm quyền, có thể muốn tăng chi tiêu để hỗ trợ các hộ gia đình và nền kinh tế.
BÍCH LIÊN