OPEC kêu gọi quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế hơn
Ngày 27/6, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham al-Ghais, kêu gọi nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng một cách thực tế, bảo đảm nhu cầu cấp thiết về ổn định nguồn cung năng lượng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế thế giới.
Bơm dầu thô tại một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, bang Utah (Mỹ). |
Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng châu Á 2023, ông al-Ghais cho biết, quá trình chuyển đổi năng lượng mới phải được tiếp cận theo một hướng toàn diện, bao gồm việc sử dụng tất cả các nguồn sản xuất năng lượng, đồng thời phải bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng cho hàng tỷ người thiếu các dịch vụ năng lượng hiện đại.
Ông nêu rõ: “Sự ổn định thị trường là yếu tố quan trọng trong cả ngắn và dài hạn. Trong báo cáo triển vọng dầu mỏ thế giới của OPEC, chúng tôi thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 23% cho đến năm 2045 và tôi thấy không có cách nào đáng tin cậy để giải quyết vấn đề này mà không cần sử dụng tất cả các nguồn năng lượng sẵn có, trong khi lấy sự ổn định của thị trường năng lượng làm kim chỉ nam”.
Theo ông al-Ghais, mạng lưới các nguồn năng lượng khí đốt, thủy điện, hạt nhân, hydro và sinh khối sẽ mở rộng nhưng dầu mỏ vẫn là “một phần không thể thiếu”.
Ông lưu ý, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045, với nhiên liệu này chiếm 25% hỗn hợp các loại năng lượng vào thời điểm khi dân số toàn cầu dự kiến chạm ngưỡng 9,5 tỷ người. Theo đó, việc tăng gấp đôi nỗ lực càng trở nên quan trọng hơn trong thực hiện “mục tiêu kép” bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải.
Ông cho rằng, nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung năng lượng thế giới phải luôn đi đôi với nỗ lực giảm thiểu khí thải và khử CO2.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký OPEC nhấn mạnh một nhu cầu cấp thiết khác là cung cấp các dịch vụ năng lượng hiện đại cho hàng tỷ người không có khả năng tiếp cận năng lượng cơ bản ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở châu Á.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch của S&P Global, ông Daniel Yergin nhấn mạnh, nếu không có an ninh năng lượng, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ rất khó diễn ra hiệu quả, đồng thời ông kêu gọi xem xét lại khái niệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Bên cạnh đó, ông Yergin cũng thừa nhận vai trò quan trọng của hydrocarbon trong đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Theo đó kêu gọi cách tiếp cận năng động và toàn diện đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, sử dụng nguồn cung đáng tin cậy và bền vững, trong khi hướng tới các chính sách thân thiện với môi trường.
Cùng chung quan điểm với ông al-Ghais, ông Yergin cho biết, sự cân bằng tổng thể các nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ thay đổi, nhưng dầu mỏ và khí đốt sẽ tiếp tục là nguồn cung năng lượng chính, không chỉ trong nhiều năm tới mà trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, hydrocarbon sẽ dần trở thành yếu tố quan trọng hơn trong nỗ lực cắt giảm CO2 và quản lý phát thải CO2.
Hội nghị Năng lượng châu Á 2023 sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28/6 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với chủ đề “Tạo dựng con đường tới một châu Á bền bỉ” (Charting Pathways of a Sustainable Asia).
Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo ngành, chuyên gia, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách để thảo luận về cách châu Á có thể thúc đẩy nhanh lộ trình các bon thấp và mở ra những tiềm năng mới cho lĩnh vực năng lượng.
HOÀNG CHÂU