.
XUNG ĐỘT Ở SUDAN - CUỘC CHIẾN CHƯA NHÌN THẤY HỒI KẾT

Kỳ 2: Khi quyền lực lớn hơn sinh mạng con người

Cập nhật: 15:42, 19/05/2023 (GMT+7)

BÀI LIÊN QUAN:

Súng lại nổ, máu lại đổ

Đầu tháng 4, khi thời hạn hoàn tất thỏa thuận giữa các phe phái đã đến gần thì đột ngột tướng Burhan rút lại những gì đã ký trong thỏa thuận khung, rằng ông ta sẽ không nhường quyền cho một chính phủ dân sự trừ khi chính phủ đó được bầu nhưng theo trang tin Bên trong những nền chính trị, kết quả của cuộc bầu cử ấy chắc chắn sẽ bị quân đội Sudan chi phối.

Nhiều khu vực ở thủ đô Khartoum trúng đạn pháo kích của cả hai phe.
Nhiều khu vực ở thủ đô Khartoum trúng đạn pháo kích của cả hai phe.

Nó được chứng minh bằng việc thời điểm RSF gia nhập quân đội Sudan và vị trí của Hemedti trong lực lượng này trở thành vấn đề gây tranh cãi. Hemedti cáo buộc quân đội “cố tình bám lấy quyền lực” còn người phát ngôn quân đội tuyên bố: “Chúng tôi không thể thỏa thuận khi có hai quân đội trong một quốc gia”.

Cho đến nay không rõ chính xác bên nào đã nổ súng trước nhưng 3 ngày trước khi chiến sự bắt đầu, RSF tiến hành triển khai lực lượng đến thủ đô  Khartoum rồi âm thầm củng cố các vị trí của mình ở thành phố chiến lược phía bắc Merowe.

Đến trưa thứ Bảy 15/4, ngày đầu tiên của cuộc xung đột, RSF chiếm căn cứ không quân, sân bay Merowe nhưng quân đội Sudan đã tận dụng lợi thế của mình. Từ sân bay Khartoum, máy bay quân đội phóng những trận mưa tên lửa vào các vị trí của RSF, không chỉ trong thành phố mà còn ở những nơi khác như Darfur, Nyala và Al Fashir.

Phản ứng lại, RSF pháo kích sân bay Khartoum rồi ngày 18/4, các tay súng RFS hầu như kiểm soát thủ đô Khartoum, kể cả dinh tổng thống. Tại các khu thương mại, họ cướp bóc, đốt phá và đánh đập những người mà họ nghi ngờ ủng hộ quân đội.

Theo các quan sát viên của LHQ, tính đến ngày 30/4, đã có hơn 600 người thiệt mạng và gần 5.000 người khác bị thương trong những cuộc giao tranh. Và mặc dù RSF tuyên bố sẽ đơn phương ngừng bắn trong 72 tiếng nhằm tôn vinh ngày lễ Eid al Fitr, đánh dấu kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo nhưng tiếng súng vẫn rền vang khắp thành phố.

Các video xuất hiện trên mạng internet cho thấy khói lửa bốc lên từ những tòa nhà cao tầng ở thủ đô Khartoum, xe quân sự di chuyển trên đường phố, các tay súng không rõ thuộc phe nào bắn loạn xạ. Một bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ít nhất 13 máy bay, trong đó có 1 máy bay vận tải quân sự ở sân bay Khartoum đã bị phá hủy.

Hiệp hội bác sĩ Sudan cho biết 70% bệnh viện ở các khu vực chiến sự trên khắp Sudan hiện không sử dụng được vì đã hư hỏng nặng sau những vụ pháo kích, nguồn cung cấp điện, nước, thuốc men và vật tư y tế bị cắt đứt hoàn toàn.

Một bác sĩ ở thành phố El Obeid, vùng Darfur nói: “Chúng tôi có 3 bệnh viện nhưng cả 3 đều thiệt hại nặng nề. Tất cả bệnh nhân bị buộc phải sơ tán đến những nơi còn có thể trú thân. Chúng tôi kêu gọi LHQ và các tổ chức quốc tế thiết lập các hành lang nhân đạo càng sớm càng tốt”.

Về phía cộng đồng quốc tế, trước những diễn biến ngày càng phức tạp, các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Arab Saudi, Jordan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã lên phương án di tản công dân của mình ra khỏi Sudan bằng đường biển lẫn đường hàng không.

Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hiện có khoảng 19.000 người quốc tịch Mỹ ở Sudan nhưng theo người phát ngôn quân đội Sudan: “Sân bay ở Khartoum và sân bay ở 2 thành phố lớn nhất là Darfur, Nyala đang gặp vấn đề và không rõ khi nào mới có thể hoạt động lại. Cơ quan Hàng không dân dụng Sudan đã gia hạn lệnh đóng cửa sân bay đến ngày 30/4” nên Mỹ và các nước phương Tây dự kiến sẽ gửi máy bay đến Cộng hòa Djibouti nằm trên bờ biển Đỏ vì theo lời tướng Burhan: “Quân đội Sudan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán một số nhà ngoại giao và công dân từ nhiều quốc gia” còn về phía RSF, thủ lĩnh Hemedti cũng đưa ra một cam kết tương tự.

Tính đến ngày 30/4, các trận giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra trên đường phố Khartoum làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nhân đạo. Đã có khoảng 20.000 người Sudan chạy sang nước láng giềng Chad.

Tất cả chỉ mới bắt đầu

Các nhà quan sát địa chính trị châu Phi nhận định người giành chiến thắng trong cuộc giao tranh mới nhất này có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Sudan trong khi kẻ bại trận sẽ phải đối mặt với hình phạt lưu đày, bị bắt giữ hoặc tử hình. Bên cạnh đó, nếu cả hai phe bất phân thắng bại, nó sẽ chia cắt Sudan  thành các vùng lãnh thổ đối đầu nhau.

Ông Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts nói: “Cuộc xung đột này mới chỉ là vòng khởi động của nội chiến. Nếu không nhanh chóng chấm dứt, nó sẽ trở thành trò chơi đa cấp với một số chủ thể trong khu vực và quốc tế. Để theo đuổi lợi ích riêng, các bên sẽ huy động tiền bạc, cung cấp vũ khí và có thể sẽ trực tiếp can thiệp bằng quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm”.

Với ông Alan Boswell, thành viên của Tổ chức khủng hoảng quốc tế thì: “Những gì đang diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ tác động với Sudan, mà các quốc gia láng giềng như  Chad và Nam Sudan có nguy cơ bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Cuộc giao tranh càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng chứng kiến sự can thiệp lớn từ bên ngoài và điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến không hồi kết…”.

Hiện tại, các quốc gia trên thế giới có công dân sống ở Sudan đã gần như hoàn tất việc sơ tán người của mình đồng thời đại sứ quán một số nước cũng tạm ngừng hoạt động.

Mặc dù cả tướng Burhan lẫn tướng Hemedti đều cam kết tạo mọi điều kiện cho việc di tản nhưng trên đường phố, súng vẫn nổ ở nhiều nơi và nhiều xe chở người ra đi vẫn bị bắn, trong đó có cả một máy bay dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Adam Hassan Yahya Omer, giáo viên ở Khartoum cho biết để sang Nam Sudan, 9 người trong gia đình ông phải trả 450USD cho một tài xế xe tải.

Tuy nhiên khi vừa ra khỏi Khartoum, lính RSF đã đuổi theo rồi lấy hết những đồng tiền cuối cùng của tất cả những người trên xe cùng điện thoại, đồng hồ, nhẫn… Trước khi cho phép xe đi tiếp, một tay súng RSF bắn chết một thanh niên trên xe chỉ vì anh này không chịu tháo đôi giày thể thao đang đi để đưa cho hắn.

“Chạy được một đoạn, vài người trên xe vứt xác kẻ xấu số xuống đường. Không một nấm mồ, không một lời cầu nguyện. Chỉ có những cặp mắt xót xa, sợ hãi vì chẳng biết từ đây đến Nam Sudan, sẽ còn bao nhiêu lần bị chặn lại và bao giờ sẽ đến lượt mình…”

VŨ CAO (Theo Inside Politics)

.
.
.