Tổng thư ký NATO kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với EU
Ngày 24/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, đã tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. |
Tại cuộc họp, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác NATO cho Ukraine ở quy mô chưa từng có. Ông cũng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa NATO và EU về vấn đề tăng tốc sản xuất đạn dược và trang thiết bị phòng thủ cần thiết để bổ sung kho dự trữ các nước.
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến vai trò đặc biệt của NATO trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho tất cả các nước thành viên, với mỗi nước cần đáp ứng các mục tiêu về năng lực phòng thủ, và duy trì liên lạc thường xuyên với các nhà sản xuất.
Dự kiến NATO có cuộc họp không chính thức với các tập đoàn công nghiệp lớn châu Âu và Bắc Mỹ bên lề hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO vào ngày 15 đến 16/6 tại Brussels với sự tham dự của đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell và Ủy viên châu Âu Thierry Breton.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác NATO-EU trong năng lực phục hồi và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt với Lực lượng đặc nhiệm chung đã được thành lập.
Về vấn đề này, hồi tháng 1/2023, NATO và EU đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung nhằm tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc trong năm ngoái cũng như trong bối cảnh NATO và EU tìm cách thúc đẩy hợp tác tại thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Ở thời điểm đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, lực lượng đặc nhiệm chung, quy tụ các chuyên gia của EU và NATO, có nhiệm vụ nghiên cứu các lỗ hổng trong hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu và tham mưu các biện pháp nhằm bảo vệ tốt hơn những cơ sở hạ tầng này.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO cho biết hai bên mong muốn cùng nhau xem xét cách thức để các cơ sở hạ tầng, công nghệ và các chuỗi cung ứng quan trọng có khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn trước các tác động. Đây sẽ là một bước quan trọng nhằm củng cố sức mạnh và tăng tính an toàn cho các quốc gia thành viên NATO cũng như EU.
HƯƠNG GIANG